Bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đấu giá

(BĐT) - Quyết định số 1319/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ban hành mới đây đã đưa ra phương án cắt giảm 49/94 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trong đó cắt giảm 5/11 điều kiện trong lĩnh vực hành nghề đấu giá tài sản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Bộ Tư pháp cần quy định rõ hơn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để tăng tính cạnh tranh, giúp chủ tài sản lựa chọn được các đơn vị uy tín. Ảnh: Quốc Phú
Bộ Tư pháp cần quy định rõ hơn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để tăng tính cạnh tranh, giúp chủ tài sản lựa chọn được các đơn vị uy tín. Ảnh: Quốc Phú

Luật Đấu giá tài sản quy định điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản bao gồm: Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là giám đốc doanh nghiệp; công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên; có trụ sở, cơ sở vật chất; có các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.

Để tạo điều kiện cho cá nhân thành lập doanh nghiệp hành nghề đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đề xuất cắt giảm 2/4 điều kiện. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động không nhất thiết phải có cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.

Đối với tiêu chuẩn hành nghề đấu giá viên, Bộ Tư pháp đề xuất cắt giảm 3/7 quy định trong hành nghề đấu giá tài sản. Theo đó, đấu giá viên không cần bắt buộc phải là người thường trú tại Việt Nam. Điều này giúp mở rộng đối tượng là người Việt Nam sinh sống, thường trú tại nước ngoài được phép tham gia hành nghề đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản quy định, tiêu chuẩn tham gia đào tạo đấu giá viên bao gồm: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 3 năm trở lên.

Để mở rộng đối tượng được tham gia khóa đào tạo, tăng cường nhân lực hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, Bộ Tư pháp đề xuất bỏ điều kiện công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 3 năm trở lên.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Anh Linh, Công ty Đấu giá Bắc Trung Nam cho rằng, nhìn chung, Luật Đấu giá tài sản ra đời năm 2016 tạo điều kiện khá thuận lợi cho các doanh nghiệp đấu giá thành lập và hoạt động. Nếu có cắt giảm thì nên loại bỏ quy định chỉ những người tốt nghiệp các trường khối kinh tế, tài chính… mới được thi cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Nên mở rộng đối tượng tham gia học và thi cấp chứng chỉ, cần quản lý thật chặt đầu ra để bảo đảm chất lượng đấu giá viên.

Mặt khác, Bộ Tư pháp cần quy định rõ hơn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cạnh tranh một cách lành mạnh, chủ tài sản lựa chọn được các đơn vị uy tín, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Cũng theo ông Linh, để hoạt động đấu giá công khai minh bạch thì một số trang thiết bị như máy văn phòng, hệ thống camera giám sát tại các địa điểm tổ chức đấu giá cần được lắp đặt phục vụ công tác đấu giá bảo đảm khách quan nhất.

Chuyên đề