Ba yếu tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập

(BĐT) - Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang quá lạm dụng vào tài nguyên trong phát triển kinh tế, trong khi đó để phát triển xa hơn, thì Việt Nam phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy mô ngày càng sâu và rộng sẽ là bước đệm để doanh nghiệp (DN) Việt Nam kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều công ty đa quốc gia đang có định hướng đầu tư vào những quốc gia có mặt bằng tiền công lao động thấp hơn nhưng vẫn đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại. Với những tiêu chí đặt ra như vậy, cùng với việc tham gia nhiều FTA, Việt Nam đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia mới chỉ lựa chọn DN Việt Nam tham gia ở khâu lắp ráp, gia công các nguyên liệu đầu vào và bán thành phẩm nhập khẩu, sau đó xuất sang các thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Nguyên nhân chính của thực trạng này được VCCI lý giải là do Việt Nam chỉ có khoảng 4% DN lớn và vừa trong tổng số DN, nên năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng thấp và chủ yếu hướng vào thị trường bản địa.

Các công ty đa quốc gia mới chỉ lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam tham gia ở khâu lắp ráp, gia công các nguyên liệu đầu vào và bán thành phẩm nhập khẩu, sau đó xuất sang các thị trường quốc tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, 3 yếu tố mà DN Việt Nam còn đang yếu và thiếu đó là vốn, trình độ nhân sự và công nghệ. Đây được cho là những nguyên nhân cơ bản cản trở các DN nội trong quá trình hội nhập. Để hỗ trợ tốt hơn cho DN, PGS. TS. Tô Trung Thành thuộc Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất, Việt Nam cần đổi mới thể chế và tư duy để tạo nên một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những DN có sức cạnh tranh cao hơn.

Riêng với nhân tố công nghệ, các DN Việt Nam có chỉ số cạnh tranh thấp là do chỉ số xếp hạng công nghệ rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Vì thế, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công nghệ mang tính chuyên sâu, tránh đầu tư tràn lan, khép kín, thiếu chuyên nghiệp; phải đầu tư nhỏ phân kỳ, giảm chi phí khấu hao theo thời gian, tránh dồn vào một thời điểm nhất định sẽ hạn chế năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một lợi thế dành cho các quốc gia “chậm chân” là công nghệ đầu tư sau thường cập nhật và tiên tiến hơn công nghệ cũ. Do đó, với công nghệ thì đầu tư sau chưa chắc đã là “thua thiệt”. Song, với quy mô và tài chính của các DN Việt Nam, nên chia nhỏ dây chuyền để đầu tư để có điều kiện tiếp cận công nghệ mới hơn là đầu tư lớn một lần.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư