Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ được đánh giá là nhà thầu có năng lực thi công công trình chắc chắn. Ảnh: Tường Lâm |
Dấu ấn tại một số gói thầu
Một trong những gói thầu mà Xây lắp Tây Hồ bị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thi công là Gói thầu XL3 Xây dựng nhà bao che các bể và phòng cháy chữa cháy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy do Trường Đại học Hàng hải Việt Nam làm bên mời thầu (BMT). Đồng hành cùng Xây lắp Tây Hồ tại gói thầu này là Công ty CP GP9 Hà Nội. Kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố vào tháng 12/2016. Quy mô gói thầu vào khoảng 155,606 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 890 ngày.
Theo một cán bộ của BMT, Xây lắp Tây Hồ đảm nhận công việc phần mái của công trình với khối lượng công việc tương đương 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 11/2/2019, Nhà thầu đã ngừng triển khai các công việc tại công trường và gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Gói thầu. Sau đó, Ban Quản lý dự án hàng hải đã có nhiều văn bản đốc thúc tiến độ và giải ngân vốn cho khối lượng thực hiện, nhưng Nhà thầu vẫn không triển khai theo các nội dung Chủ đầu tư yêu cầu. Ngày 22/5/2019, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có quyết định chấm dứt hợp đồng phần công việc của Xây lắp Tây Hồ tại gói thầu nêu trên.
Khoảng đầu năm 2019, Xây lắp Tây Hồ cũng bị Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian (CMNDG) Việt Bắc chấm dứt hợp đồng Gói thầu số 12 Thi công nhà biểu diễn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Nhà hát CMNDG Việt Bắc.
Tại gói thầu này, Xây lắp Tây Hồ đã có 15 tháng thi công, được gia hạn tổng cộng 11 lần, thêm 41 tháng thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không thể hoàn thành. Gói thầu có giá trị là 121 tỷ đồng, khối lượng công việc mà Nhà thầu không thể hoàn thành chỉ tương đương 5 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Xây lắp Tây Hồ đã dùng nhiều khoản phải thu từ các hợp đồng thi công để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay vốn.
Đơn cử, vào tháng 2/2018, nhà thầu này đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và dùng quyền đòi nợ đối với Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi theo Hợp đồng thi công xây dựng số 206/2017/HĐ-TCXD ngày 15/12/2017. Đây là hợp đồng thi công Gói thầu Xây lắp công trình sửa chữa cấp bách nền mặt đường các đoạn hư hỏng nặng nhất, hiện trạng mặt đường lầy lội, bị phá hoại, khó khăn trong việc lưu thông từ Km82+500 - Km83+000; Km84+400 - Km85+000; Km87+700 - Km89+700; Km98+500 - Km100+000; Km102+500 - Km103+200; Km105+000 - Km105+300; Km106+000 - Km106+800; Km107+500 - Km108+000 tuyến Quốc lộ 24B, tỉnh Quãng Ngãi.
Đồng hành cùng Xây lắp Tây Hồ tại gói thầu trên là Công ty CP Xây dựng Phát triển công nghệ Thanh Quảng và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Long Á.
Hay vào đầu năm 2018, Xây lắp Tây Hồ cũng dùng quyền đòi nợ đối với Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 20/HĐKT ngày 25/12/2017 về việc thi công Gói thầu số 05 Công trình nhà chỉ huy và một số công trình phụ trợ Trại giam T974, để thế chấp vay vốn tại LienVietPostBank.
Một tổ chức tín dụng khác được Xây lắp Tây Hồ tìm đến để thu xếp vốn vay là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Để vay vốn, Nhà thầu cũng thế chấp nhiều khoản phải thu từ việc thi công các gói thầu, như: Gói thầu số 01 Thi công xây lắp tuyến đường Kim Hỷ - Vũ Muộn thuộc Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng các xã Chương trình 229 huyện Na Rì, Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; Gói thầu số 10 Xây dựng nhà điều hành; nhà ở bộ đội; nhà để xe máy; nhà ăn, bếp Phân kho K820B thuộc Dự án Xây dựng, cải tạo, nâng cấp Kho K820B/Binh chủng Công binh do Bộ Tư lệnh Công binh làm chủ đầu tư.
Áp lực nợ lớn
Đến nay, Xây lắp Tây Hồ chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018. Nhưng theo số liệu trước đó (2015 - 2017), nhà thầu này có tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất lớn. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu luôn dao động ở mức từ 7,5 lần đến 9 lần. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với quy định của Chính phủ về quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước (tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần).
Đặc biệt, dù kinh doanh vẫn tạo ra lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh của Xây lắp Tây Hồ luôn ở trạng thái âm. Cụ thể, từ năm 2015 - 2017, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty lần lượt âm 13,7 tỷ, 31,3 tỷ và 22,5 tỷ đồng.
Điều này cho thấy những rủi ro lớn về khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn của Xây lắp Tây Hồ, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của Công ty.