Áp lực điều hành chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Áp lực tỷ giá, lãi suất, lạm phát, nhu cầu vốn của nền kinh tế khiến chính sách tiền tệ có sự giằng co rõ nét trong năm 2022. Dự báo áp lực tỷ giá, lãi suất năm 2023 sẽ giảm nhiệt song vẫn còn quan ngại về rủi ro từ kinh tế thế giới, đòi hỏi công tác điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, hiệu quả, lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong sự cân bằng chung giữa các yêu cầu vĩ mô.
Với diễn biến trên thế giới và kinh tế trong nước, việc bảo đảm ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Tiên Giang
Với diễn biến trên thế giới và kinh tế trong nước, việc bảo đảm ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Tiên Giang

Khó khăn hơn nhiều so với dự báo

Năm 2022, chính sách tiền tệ chịu tác động mạnh từ các biến động kinh tế thế giới và trong nước. Lạm phát toàn cầu tăng nhanh, USD tăng giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước phải 2 lần tăng lãi suất điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ đồng nội tệ. Trong khi đó, kinh tế trong nước phục hồi mạnh mẽ thể hiện qua sự phục hồi tiêu dùng, vốn FDI thực hiện tăng, xuất khẩu tăng, CPI bình quân tăng 3,02%, lạm phát tăng nhanh, nhất là lạm phát cơ bản. Từ tháng 1 đến tháng 11/2022, lạm phát cơ bản từ mức tăng 0,66% lên đến mức tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua.

Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhất quán các mục tiêu trong công tác điều hành chính sách tiền tệ gồm: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại tệ, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Chính sách tiền tệ hướng tới việc hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, điều tiết thanh khoản ổn định thị trường tiền tệ, giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức thấp; điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ và điều hành tín dụng bám sát chỉ tiêu định hướng 14%. Ba quý đầu năm 2022, tín dụng tăng 11% so với cuối năm 2021, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.

Từ giữa tháng 9 và quý IV, NHNN tập trung ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Trong đó, hỗ trợ thanh khoản ổn định hệ thống TCTD, tăng lãi suất điều hành, điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng biên độ tỷ giá, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2022, kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021. Ở thời điểm đó, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh đến như vậy, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm. “Bối cảnh tài chính thắt chặt cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 2022 là một năm đầy thử thách đối với chính sách tiền tệ bởi phải đáp ứng và cân bằng nhiều mục tiêu kinh tế. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong lựa chọn các giải pháp tương ứng với sự biến chuyển của môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Chính sách tiền tệ tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng trong xu hướng thắt chặt tiền tệ của thế giới. NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành, bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá, tăng biên độ tỷ giá và sử dụng các công cụ thị trường khác để bơm - hút tiền nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống.

“Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng vẫn trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, tỷ giá biến động không lớn so với các nước khác. Các chỉ tiêu vĩ mô vẫn giữ được ổn định. Đó là thành công của chính sách tiền tệ trong năm nay”, ông Lực nhấn mạnh.

Ổn định vĩ mô và hệ thống ngân hàng

NHNN cho biết, với diễn biến trên thế giới và kinh tế trong nước, việc bảo đảm ổn định hệ thống các TCTD tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Theo NHNN, lạm phát ngay đầu năm 2023 ước ở mức trên 5% so với cùng kỳ năm 2022, thị trường giá cả thế giới khó lường, đặc biệt với động thái Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp diễn, việc điều chỉnh lương công chức. Do đó, để đạt mục tiêu lạm phát bình quân 4,5% cả năm 2023, đòi hỏi phải điều hành thận trọng chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Mặt khác, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao (từng đạt 124% năm 2021) gây lo ngại về an toàn hệ thống các TCTD.

Do đó, NHNN định hướng điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: “Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN phải ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo thanh khoản hệ thống các TCTD. NHNN sẽ phải điều hành hợp lý và đồng bộ cả lãi suất và tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến thị trường và diễn biến kinh tế vĩ mô. Mặt khác, trong những hoàn cảnh khó khăn, có thể phải có mục tiêu ưu tiên”.

Trong khi đó, giới phân tích thị trường cho rằng, NHNN sẽ phải tính toán thận trọng giữa việc nới lỏng và thắt chặt tiền tệ trong năm 2023. Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn, dự liệu mới nhất đã vượt mức trần 4% của NHNN. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, Việt Nam còn chứng kiến tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến lạm phát toàn phần tăng. HSBC nâng mức dự báo lạm phát năm 2023 lên 4% (dự báo cũ là 3,7%). Điều này đồng nghĩa với việc NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dự kiến những tác động gián tiếp của tăng giá xăng dầu, chi phí điện, nước, y tế và giáo dục trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát. Lạm phát năm 2023 có thể đạt mức kịch khung 4,5%.

Bên cạnh đó, ACBS cũng dự báo thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại, lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong nửa đầu năm 2023 nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Dự báo về xu hướng chính sách tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do dư địa đã bị thu hẹp. Năm 2022, NHNN đã tăng lãi suất 2 đợt để ổn định tỷ giá, các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa đúng mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (3 tháng nhập khẩu). Do vậy, với khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,50 điểm % trong thời gian tới, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng là khá lớn.

Tuy nhiên, theo ông Lực, xu hướng thắt chặt tiền tệ không nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm 2023. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả chứ không phải thắt chặt. Hơn nữa, xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Fed là chỉ tăng lãi suất đến hết quý I hoặc quý II. Thậm chí, nếu kinh tế thế giới suy thoái thì một số ngân hàng trung ương có thể sẽ giảm lãi suất từ cuối năm 2023, vậy thì làm sao chúng ta thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất được? Mặt khác, nếu tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn, gây khó cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Lực nói.

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khó khăn lớn nhất trong năm 2023 là cùng lúc phải xử lý ba bài toán, gồm: ổn định kinh tế vĩ mô; tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; an toàn của hệ thống ngân hàng. “Cần tìm được điểm cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá theo hướng ưu tiên ổn định được mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư