Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh. Ảnh: Nhã Chi |
Không có quy hoạch tổng thể sẽ tiếp tục mạnh ai nấy quy hoạch
Sau phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp tháng 1 vừa qua, Dự thảo Luật Quy hoạch tiếp tục làm nóng phiên thảo luận của UBTVQH cuối tuần qua.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Quy hoạch của UBTVQH, có ý kiến cho rằng không cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia, dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT), nhấn mạnh, cần phải có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia mang tính định hướng, từ đó quy hoạch cấp dưới mới cụ thể hóa. Còn nếu như cách làm hiện nay thì ngành nào cũng cho mình quan trọng, quy hoạch chồng chéo, chồng lấn. “Đơn giản khu Triển lãm Giảng Võ trước là triển lãm, dân ít, giờ cho làm nhà cao tầng, thì dân nhiều, vấn đề thoát nước, hạ tầng, giao thông sẽ không đồng bộ. Vì thế phải có quy hoạch tổng thể để dẫn dắt cho các quy hoạch cấp dưới”, ông Thanh ví dụ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thêm: “Bộ được giao nhiệm vụ làm quy hoạch kinh tế - xã hội. Chúng tôi đã tự xin bỏ đi. Chỉ làm quy hoạch tổng thể quốc gia, nhìn rất rõ, không chồng lấn, xung đột”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bộ nào, ngành nào cũng bảo quy hoạch của mình phải có trước, phải sắp đặt nó trước. Nhưng chính định hướng phát triển mới phải có trước. Ví dụ, trước ta quy hoạch Xuân Hòa là thủ đô, giờ không chuyển lên, lãng phí bao nhiêu. Bắc Ninh vì có Samsung đầu tư vào thì có các khu đô thị đi theo, thương mại đi theo, nếu không có Samsung thì làm đường cho ai đi, nhà cho ai ở, quy hoạch đất để làm gì? “Định hướng phát triển, quy hoạch tổng thể sẽ dẫn dắt tất cả”, Bộ trưởng khẳng định.
Sửa các luật khác hoàn toàn khả thi
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UBKT - cơ quan thẩm tra Dự án Luật, cho biết, việc này là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm chính trị cao. Trong thời gian vừa qua, cơ quan thẩm tra đã cùng Bộ KH&ĐT rà soát 32 luật, chỉ có 4 luật khó, còn lại 28 luật chỉ sửa câu chữ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm, nói là sửa 32 luật nhưng chỉ có 5 luật sửa 1 điều, 3 luật sửa 2 điều, 4 luật sửa 3 điều, các luật còn lại chỉ bỏ mỗi chữ quy hoạch. “Nghe số lượng thì nhiều, nhưng trên thực tế thì rất đơn giản, chúng tôi đã rà soát xây dựng 1 chương trình, kế hoạch sửa luật của Chính phủ và đảm bảo khả thi, vì nó không có gì ghê gớm cả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Không hiểu sao Bộ Xây dựng vẫn nói khác
Theo Điều 12 của Dự thảo Luật, hệ thống quy hoạch trong Luật này gồm các cấp theo thứ bậc: Quy hoạch quốc gia - quy hoạch vùng - quy hoạch tỉnh - quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Bộ Xây dựng kiến nghị phải đưa quy hoạch xây dựng vào trong hệ thống quy hoạch nêu trên vì quy hoạch xây dựng mang tính đặc thù, bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Và đây là ý kiến trái chiều duy nhất trong Chính phủ được nêu tại phiên họp.
Khá bất ngờ, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT cho rằng, kiến nghị của Bộ Xây dựng không đúng với tinh thần cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất tiếp thu là phương án quy hoạch xây dựng bổ sung vào Điều 26 Dự thảo Luật (quy định về quy hoạch vùng – PV), không được coi là 1 loại quy hoạch riêng thuộc hệ thống quy hoạch nêu tại Điều 12. “Tôi cũng không rõ lý do gì các đồng chí thay đổi. Các đồng chí đưa quy hoạch xây dựng vào hệ thống quy hoạch sẽ phá vỡ hết hệ thống quy hoạch quốc gia, không đảm bảo thống nhất vì đây là quy hoạch ngành”, ông Kiên bày tỏ quan điểm.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, khi sửa đổi Dự Luật sau phiên họp tháng 1 của UBTVQH, cả Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự nhân nhượng. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã để vào hệ thống quy hoạch và thực hiện theo pháp luật xây dựng.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, đây là luật mang tính nguyên tắc, luật khung, đảm bảo tính tích hợp, khớp nối, đảm bảo sự thống nhất quản lý quy hoạch, khắc phục hạn chế trước đây là cát cứ, chồng lấn giữa các ngành, địa phương làm hạn chế phát triển, lãng phí đầu tư. Luật này điều chỉnh nguyên tắc tất cả các loại quy hoạch, không loại trừ quy hoạch nào,… Đảm bảo tính thống nhất của Luật Quy hoạch phải bao trùm tất cả các loại quy hoạch.
UBTVQH giao UBKT tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng tất cả những vấn đề cần tiếp thu giải trình, để báo cáo ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.