Từ năm 2012 - 2017, UBND tỉnh Yên Bái mới phê duyệt 3 kế hoạch đấu giá khoáng sản. Ảnh: Tường Lâm |
Đề xuất đấu giá điểm mỏ felspat 6,24 ha
Cuối năm 2018, Công ty CP Vinakasan đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp (DN) này làm thủ tục xin thăm dò khoáng sản felspat Dốc 6.000 tại xã Yên Thái và xã Yên Hưng, huyện Văn Yên.
Felspat là một trong những khoáng chất silicat có chứa canxi, natri và kali. Felspat được ứng dụng sản xuất bột trường thạch để làm gạch men sứ cho ngành gốm sứ thuỷ tinh, chất độn công nghiệp, y tế…
Khu vực felspat Dốc 6.000 tại xã Yên Thái và xã Yên Hưng, huyện Văn Yên có tổng diện tích 6,24 ha, hướng Tây của khu vực mỏ là tuyến tỉnh lộ 163 (đường Yên Bái - Khe Sang). Trong đó, 1,68 ha trước đây đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Khoáng sản Yên Bái VPG, thời hạn đến ngày 18/10/2018. Hiện DN này đang làm thủ tục đóng cửa mỏ.
Đối với diện tích 4,56 ha, theo kết quả kiểm tra thực địa của Tỉnh, khu vực này hiện là rừng sản xuất và 1 lán trại của người dân đang sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, 1 nhà ở hiện không còn sử dụng (bỏ hoang).
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái, trữ lượng khu vực mỏ felspat Dốc 6.000, sau khi Công ty CP Khoáng sản Yên Bái VPG khai thác, là hơn 156.000 tấn. Trong khi đó, theo quy định, đối với felspat những khu vực có trữ lượng và tài nguyên dự tính <= 130.000 tấn thì mới được coi là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.
Do đó, UBND tỉnh Yên Bái đề xuất đưa điểm mỏ felspat Dốc 6.000 vào thăm dò, khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản với diện tích 6,24 ha.
Để đảm bảo yêu cầu khai thác mỏ, tỉnh Yên Bái kiến nghị, các DN được phép hoạt động tại khu vực này phải có kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và cam kết thành lập DN tại Tỉnh. DN phải sử dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; có phương án khai thác phù hợp; đảm bảo giao thông và cư dân sống trong khu vực; ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Vì sao cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu không qua đấu giá?
Mặc dù là tỉnh miền núi có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng, nhưng trong thẩm quyền cấp phép, từ năm 2012 - 2017, UBND Tỉnh mới phê duyệt 3 kế hoạch đấu giá khoáng sản gồm 8 khu vực (7 khu vực cát, sỏi; 1 khu vực than nâu).
UBND Tỉnh cho biết, các khu vực mỏ khoáng sản thường phân tán, điều kiện khai thác khó khăn, hầu hết những mỏ kim loại có giá trị đều nằm ở những xã vùng sâu, vùng xa. Song, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường lại được phân bố trên toàn Tỉnh, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi.
Do vậy, đến nay, Tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công chủ yếu đối với các khu vực khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường. Kết quả trúng đấu giá cho thấy, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) đều tăng hơn so với mức khởi điểm từ 0,4 - 0,8%.
Trong quá trình thực hiện đấu giá, tỉnh Yên Bái thông tin, các DN khai khoáng kiến nghị nhiều về vấn đề thu, nộp tiền trúng đấu giá. Theo quy định, các đơn vị trúng đấu giá đều phải nộp một lần tiền trúng đấu giá, tiền trúng đấu giá lớn hơn 50 tỷ đồng thì mới được nộp nhiều lần, lần đầu nộp tối thiểu 50 tỷ đồng. Các DN cho rằng, quy định này khiến cho các DN rất khó khăn trong việc huy động vốn để nộp tiền trúng đấu giá cũng như huy động vốn để triển khai thực hiện dự án sau khi được cấp phép khai thác.
Các DN phản ánh, quy định hiện hành về phương pháp thu, nộp thông qua đấu giá đang có sự khác biệt với trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá. Cụ thể, trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá thì tiền cấp quyền từ 1 tỷ đồng trở lên, DN được nộp nhiều lần. Điều này dẫn đến không công bằng cho các DN, đặc biệt là các DN tham gia đấu giá.