Xuất khẩu tăng mạnh, Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc đạt thặng dư thương mại tháng cao chưa từng thấy trong tháng 10 vừa qua, khi xuất khẩu của nước này tăng vọt bất chấp gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu...

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/11 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này trong tháng 10 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 300,2 tỷ USD.

Đây là tháng thứ 13 liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hai con số và vượt mức tăng 22,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nhập khẩu tháng 10 của Trung Quốc tăng 20,6% dẫn tới thặng dư thương mại đạt 84,54 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, khu vực xuất khẩu của Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Giá trị xuất khẩu của nước này trong 10 tháng đầu năm đã vượt qua kim ngạch của cả năm 2020.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ giúp xuất khẩu củng cố vai trò trụ cột trong nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc mạnh trong những tháng gần đây.

Quý 3 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4,9%, không đạt dự báo tăng 5,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó, do nhu cầu của thị trường trong nước suy yếu vì những yếu tố bất lợi gồm thị trường bất động sản sụt giảm, khủng hoảng thiếu điện, và các đợt bùng dịch Covid-19 rải rác.

Tốc độ tăng trưởng hàng tháng (%) so với cùng kỳ năm trước của Trung Quốc về xuất khẩu (màu đen) và nhập khẩu (màu hồng). Từ đầu năm tới nay, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc luôn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng hàng tháng (%) so với cùng kỳ năm trước của Trung Quốc về xuất khẩu (màu đen) và nhập khẩu (màu hồng). Từ đầu năm tới nay, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc luôn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 10 tăng khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do Chính phủ nước này đẩy mạnh nỗ lực tăng nguồn cung điện. Mấy tháng qua, Trung Quốc thiếu điện nghiêm trọng do thiếu than cho các nhà máy phát điện trong lúc nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt, đặc biệt là nhu cầu của các công ty sản xuất hàng hoá cho xuất khẩu. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên – loại nhiên liệu thay thế điện để sưởi ấm cho các hộ gia đình, cũng tăng 22% trong 10 tháng đầu năm.

Trung Quốc đang hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ sau cú sốc mà Covid-19 gây ra, trong đó thương mại toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục. Sự phục hồi mạnh mẽ này đặt ra sức ép lớn đối với chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia, do dẫn tới tình trạng khan hiếm nghiêm trọng container chứa hàng hoá, tàu cở hàng, công suất cảng biển, và thậm chí cả tài xế lái xe tải để chở hàng.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có vẻ đang dịu đi, thể hiện qua giá cước vận tải đã “giảm nhiệt” sau một thời gian dài liên tục tăng nóng.

Năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tăng mạnh hơn bất kỳ thị trường lớn nào khác. Thặng dư thương mại Trung-Mỹ, một nguyên nhân dẫn tới căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng lên mức 2,08 nghìn tỷ Nhân dân tệ (325 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm, từ mức 1,75 nghìn tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư này tăng do nhập khẩu đậu tương Mỹ vào Trung Quốc giảm tốc vì những nguyên nhân liên quan đến thời tiết trong những tháng gần đây.

Máy móc và các sản phẩm điện tử chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Các sản phẩm có hàm lượng nhân công cao như may mặc và đồ nhựa chiếm 18% tổng giá trị. Trong tháng 10, mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu lớn nhất thuộc về các mặt hàng gồm thiết bị gia dụng, thắp sáng và đồ nội thất.

Trung Quốc là nguồn nhu cầu nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới, do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào sản xuất công nghiệp và xây dựng. Nhưng năm nay, nhu cầu hàng hoá liên quan đến xây dựng ở Trung Quốc đã giảm tốc do thị trường địa ốc nước này đi xuống. Trong tháng 10, nhập khẩu quặng sắt của nước này đã giảm về khối lượng.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc qua các tháng (tỷ USD), trong đó thặng dư tháng 10 đạt kỷ lục.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc qua các tháng (tỷ USD), trong đó thặng dư tháng 10 đạt kỷ lục.

Dòng ngoại tệ dồi dào từ xuất khẩu đã hỗ trợ mạnh cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong năm nay và đưa dự trữ ngoại hối vốn dĩ đã khổng lồ của nước này tăng thêm. Cuối tháng 10, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,22 nghìn tỷ USD - theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Kho dự trữ này mang lại cho Trung Quốc một “tấm nệm” quan trọng trước bất kỳ cú sốc tương lai nào trong nền kinh tế thế giới, ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc như Evergrande gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Theo nhận định của Bloomberg Economics, đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ duy trì trong ít nhất vài quý tới. Nhu cầu đối với hàng hoá của Trung Quốc có thể giảm tốc nếu người tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển giảm mua hàng hoá và chuyển sang tiêu thụ dịch vụ nhiều hơn, và các nhà máy tại các nước ở Nam Á và Đông Nam Á hoạt động bình thường trở lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.

Những ngày gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo về “áp lực suy giảm” tăng trưởng kinh tế và cam kết triển khai các biện pháp nhằm kích thích nhu cầu nội địa, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bắc Kinh cho biết sẽ không bơm sự hỗ trợ cho thị trường bất động sản, trong khi PBOC tiếp tục giữ chính sách thận trọng và duy trì cung cấp các khoản vay ngắn hạn để đảm bảo mức thanh khoản hợp lý trên thị trường liên ngân hàng. PBOC đã giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ tháng 7 đến nay và không thay đổi lãi suất chính sách từ năm ngoái.

Chuyên đề