Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015. Để hiện thực hóa lợi ích của EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018. Từ nay tới lúc đó là khoảng thời gian chuẩn bị của doanh nghiệp.
Với quy mô dân số 510 triệu người tiêu dùng, 25 nước thành viên, EU đang là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của của Việt Nam, với kim ngạch 2 chiều vượt 41 tỷ USD trong năm 2015.
Thời gian EVFTA có hiệu lực đã đến gần, hiện tại, không ít doanh nghiệp trong nước đang tỏ ra lo lắng, làm thế nào tận dụng được cơ hội xuất khẩu, giảm thuế mà EU sẽ xóa bỏ cho hàng hóa Việt Nam.
Hết năm 2015, Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè đạt kim ngạch xuất khẩu 651 triệu USD, 35%, xấp xỉ 200 triệu USD trong tổng giá trị xuất khẩu là do thị trường EU mang lại. Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu, doanh nghiệp này đã có sự chuẩn bị về năng lực sản xuất từ 2 năm về trước để gia tăng giá trị xuất khẩu, gia tăng lợi ích từ giảm thuế.
Năm 2015, Nhà Bè đưa vào hoạt động nhà máy may Nhà Bè – Hậu Giang với quy mô 4000 lao động, trọng tâm là đưa sản phẩm xuất khẩu phục vụ thị trường EU, và Mỹ.
Kế hoạch 2016, NBC mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy may Đức Linh, Bình Thuận với tổng đầu tư lên đến đến 400 tỷ, quy mô 3.000 lao động với đích ngắm là khai thác hiệu quả hơn các thị trường xuất khẩu.
Từ thực tiễn hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hẳn một hành trang hội nhập từ 15- 20 năm để không phải lo lắng thái quá trước sức ép cạnh tranh đến từ bên ngoài.
Ông Khánh dẫn chứng, nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu nước ta chỉ có 5 tỷ USD thì đến 2015 đã vượt 160 tỷ USD, tăng trên 30 lần. Hay như, thời điểm gia nhập WTO 2006, kim ngạch xuất khẩu chưa đầy 50 tỷ USD thì 10 năm sau đã tăng gấp 3 lần.
Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng gần 7 lần từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm 2015, đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu Việt Nam. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD.
“Sau 7 năm EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 99,2% biểu thuế nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và giúp cho ít nhất 42% kim ngạch xuất khẩu ( tương đương 28 tỷ USD) có thể được hưởng thuế 0%. Đây sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của chúng ta. Tuy nhiên, lợi ích không dừng lại ở đó, việc tham gia EVFTA, đặc biệt TPP còn thể hiện nỗ lực của Việt Nam cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu.
Các chuyên gia tính toán, hiện nay, trên 60% kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ khu vực Đông Á. Với tỷ lệ phụ thuộc lớn như vậy vào một khu vực thị trường, tất yếu, ở thời điểm nào đó rủi ro xảy ra thì xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cân đối lại thị trường từ các EVFTA là một mục tiêu chiến lược dài hạn.
Sau gần 20 năm hội nhập, các doanh nghiệp trong nước phần đông đều được đánh giá đã và đang nắm bắt tốt các cơ hội. Với EU, sau khi hai bên ký kết Hiệp định xóa bỏ hạn ngạch vào 2005, xuất khẩu các mặt hàng dệt may, gỗ, da giày, thủy sản tăng trưởng mạnh.
“Những kết quả về tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội rồi, nhưng hãy nên chủ động hơn nữa, dừng ngồi chờ khách hàng tìm đến. Chẳng hạn, nước mắm Phú Quốc rất ngon, đã xuất khẩu sang EU, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tự tạo ra cơ hội tiếp xúc khách hàng. Cần lắng nghe phản hồi của họ về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, chắc chắn xuất khẩu sản phẩm sẽ tăng nhiều hơn” - ông Khánh nhấn mạnh thêm.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam hãy sang tận EU, tiếp cận hệ thống phân phối, trực tiếp tiếp cận với khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ, từ đó hoàn thiện sản phẩm”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ. Ngoài ra, các nhà đàm phán thương mại cũng gửi tới doanh nghiệp Việt Nam rằng, EU là thị trường khó tính, nếu đã xuất khẩu được sang EU thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin để xuất khẩu sang các thị trường khác.