Động lực cải cách mạnh mẽ từ EVFTA

(BĐT) - Được đánh giá là một trong những hiệp định tham vọng nhất mà Việt Nam từng ký kết, EVFTA kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Phấn khởi đã nhường chỗ cho lo lắng

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ngay khi Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tâm lý chung khi đó là hào hứng và phấn khởi với những cơ hội đầu tư, kinh doanh, thị trường mới được mở ra. Song, sự hào hứng này đang giảm dần, nhường chỗ cho những lo lắng xuất phát từ sức ép cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu và việc mở cửa dịch vụ từ EU.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, nhìn lại lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta ký hiệp định về “mở cửa”, mà trên thực tế Việt Nam đã mở cửa từ 15, 20 năm trước. Ngay từ năm 1995, Việt Nam đã có những cam kết giảm thuế nhập khẩu đầu tiên cho hàng hóa từ bên ngoài là các nước ASEAN.

Năm 2000, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Việt Nam cam kết mở cửa trong lĩnh vực dịch vụ. Khi đó, Việt Nam cũng đã cam kết mở cửa đối với cơ chế bảo hộ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta đã có hành trang 20 năm hội nhập. Mặc dù cũng có những điều chưa hài lòng về môi trường đầu tư, kinh doanh và kết quả đạt được của hội nhập, nhưng Việt Nam vẫn có những thành tích nhất định, đủ để tin tưởng bước vào giai đoạn hội nhập mới” -ông Khánh nhận định.

Việt Nam sẽ có động lực cải mạnh mẽ

Với việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ có “động lực” mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thể chế với những cam kết rất nghiêm túc trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa trong các hoạt động thương mại, đầu tư…
Khi đánh giá về lợi ích mà Việt Nam được hưởng khi tham gia EVFTA chúng ta mới chỉ nhìn nhận tới những lợi ích có thể tính toán được về xuất khẩu, kim ngạch thương mại. “Nhưng lợi ích không chỉ dừng lại ở đó” – ông Khánh nhấn mạnh và phân tích, khi tham gia đàm phán EVFTA, Việt Nam đang theo đuổi một nỗ lực cân đối lại thị trường xuất, nhập khẩu.

Hiện, trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đến từ các nước Đông Á. Khi phụ thuộc quá mức vào một thị trường, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Bài học nhãn tiền mà Việt Nam “nhận được” là Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng kinh tế năm 1997 của khu vực Đông Á, việc phụ thuộc vào một thị trường xuất, nhập khẩu đã khiến xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường này năm 1998 chỉ tăng chưa đầy 2%.

Với việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ có “động lực” mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thể chế với những cam kết rất nghiêm túc trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa trong các hoạt động thương mại, đầu tư… Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là thực sự có lợi cho cả nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Ông Mauro Petriccione, Phó Tổng vụ trưởng, Tổng vụ Thương mại của Ủy ban châu Âu, Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của EU nhấn mạnh, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ kinh tế hai bên có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa từ EVFTA. Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp có nhận thức tốt về những thỏa thuận nhằm thu được những lợi ích từ EVFTA cũng như triển khai các hoạt động để thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều trong thời gian tới.         

Chuyên đề