Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Khuê |
Đã xử lý hơn 907 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Số nợ xấu được xử lý tăng dần qua các năm, cụ thể, gần 75 nghìn tỷ đồng năm 2012; gần 88 nghìn tỷ đồng năm 2013; gần 144 nghìn tỷ đồng năm 2014; gần 187 nghìn tỷ đồng năm 2015; hơn 118 nghìn tỷ đồng năm 2016; hơn 115 nghìn tỷ đồng năm 2017 và hơn 163 nghìn tỷ đồng năm 2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Trong khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2018 và cuối năm 2017 lần lượt ở mức 1,89% và 1,99%.
Mặt khác, số liệu từ báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, tiến độ xử lý nợ xấu vẫn chưa khả quan trong những tháng đầu năm.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam có mức tăng nợ xấu rất mạnh. Cụ thể, tính từ cuối năm ngoái đến 31/3/2019, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng hơn 1.000 tỷ đồng, nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng đáng kể. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), nợ có khả năng mất vốn tăng gần 275 tỷ đồng, nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 335 tỷ đồng. Tình trạng nợ xấu tăng cũng xảy ra tại nhiều ngân hàng khác.
Đánh giá về xu hướng này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng: “Đúng là việc xử lý nợ xấu đang chậm lại so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Dù số tuyệt đối nợ xấu được xử lý tăng qua các năm nhưng tổng dư nợ tín dụng vẫn tăng đáng kể. Nhiều khoản nợ xấu cũ chưa giải quyết xong lại cộng thêm nợ xấu mới càng làm khó cho nỗ lực muốn đẩy nhanh tiến trình này”.
Vẫn còn gian nan
Dù đã áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, song Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng còn nhiều điểm chưa thuận lợi. Đáng chú ý, theo cơ quan này, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu) là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Với thực trạng tài chính hiện nay của 3 ngân hàng nói trên, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều trở ngại và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.
Đến nay, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.
Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng này.
Việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc gặp khó khăn do phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Hiếu, đó là những trở ngại đã có từ lâu và chưa biết bao giờ mới có thể giải quyết được. Trong đó, trở ngại lớn nhất là xử lý tài sản bảo đảm bao gồm phần lớn là các bất động sản.
Về việc xử lý 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng, theo vị chuyên gia này, cách làm chưa có tiền lệ và chưa được quy định như vậy gây lúng túng và khó tránh khỏi ngại ngần trong quá trình thực hiện. “Điều đáng mừng là Ngân hàng Đại Dương có thể “vào tay” nhà đầu tư nước ngoài dù chưa biết cụ thể như thế nào. Việc xử lý 2 ngân hàng còn lại cũng chưa hẳn có thể tiến hành ngay. Cả ba ngân hàng này đều tồn đọng nợ xấu lớn, tài sản bảo đảm, đặc biệt là của Ngân hàng Xây dựng, có phần bất động sản đáng kể. Do đó, khả năng đẩy nhanh xử lý nợ xấu của các ngân hàng này là không dễ dàng”.