Xử lý nhà xây trái phép như “bắt cóc bỏ đĩa”

Việc xử lý và tháo dỡ công trình xây dựng sai phép và không phép là điều cần phải làm, nhưng việc xử lý mà các cơ quan chức năng đang thực hiện hiện nay giống như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Sau hơn 5 tháng kể từ khi phát hiện sai phạm và chỉ đạo của Chính phủ, việc tháo dỡ phần sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực mới được thực hiện. Ảnh: Dũng Minh
Sau hơn 5 tháng kể từ khi phát hiện sai phạm và chỉ đạo của Chính phủ, việc tháo dỡ phần sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực mới được thực hiện. Ảnh: Dũng Minh

Thiếu dứt khoát trong xử lý

Công trình dự án nhà cao tầng tại số 8B Lê Trực (Hà Nội ) là một trong những trường hợp điển hình trên bảo, dưới không nghe trong việc xử lý sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng đô thị.

Đầu tháng 10/2015, sau khi bị phát hiện xây dựng vượt chiều cao tương đương đến 5 tầng, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận vi phạm ở công trình xây dựng này là nghiêm trọng phải xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội vào cuộc quyết liệt nhằm tháo dỡ phần sai phép.

Tuy nhiên, trong khoảng hơn 3 tháng sau đó, sự thiếu thống nhất giữa chỉ đạo của Thành phố và các đơn vị liên quan khiến cho việc phá dỡ phần sai phạm tại dự án này vẫn không thể thực hiện được và phải đến 6/3/2015, tức là khoảng gần 5 tháng sau khi bị phát hiện, công việc tháo dỡ phần sai phạm mới bắt đầu tiến hành.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc chậm tháo dỡ phần sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực mấu chốt nằm ở việc Thành phố không cương quyết đưa ra một thời hạn cụ thể, cũng như biện pháp xử lý mạnh tay, mà lại để cho chủ đầu tư được tự lên phương án. Thậm chí, có thời điểm còn có những khoảng trống để chủ đầu tự xin “hiến” phần sai phạm để khỏi phải phá dỡ.

Tương tự, câu chuyện cưỡng chế phá dỡ biệt phủ trái phép tại đồi Chim thuộc rừng đặc dụng Hải Vân (Đà Nẵng) cũng gây bức xúc cho nhiều người khi UBND quận Liên Chiểu liên tục gia hạn thời gian phá dỡ cho chủ nhà.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, việc phá dỡ công trình không dễ thực hiện, nhưng không có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian đến vậy.

“Ở đây, chủ yếu là nguyên nhân con người khi cơ quan quản lý khi không tạo ra áp lực để các chủ đầu tư phải tự nguyện tuân thủ theo. Khi cho phép chủ đầu tư tự tính toán thời gian tháo dỡ, họ đương nhiên sẽ muốn tính toán có lợi cho mình bằng cách kéo dài thời gian để họ có thể xin cấp phép lại, phần sai phép sau đó nghiễm nhiên thành có phép”, ông Hùng cho biết.

Quy định mới vẫn chưa phù hợp?

Bộ Xây dựng mới đây đã chính thức lấy ý kiến các thành viên thị trường nội dung liên quan đến Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Theo đó, đối với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị liên quan đến xây dựng sai giấy phép và xây dựng khi chưa có giấy phép quy định có thể sẽ bị phạt lên tới 50 triệu đồng và yêu cầu có biện pháp khắc phục. Trong trường hợp vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, có sẽ bị xử phạt lên tới 500 triệu đồng và bị buộc tháo dỡ, tước giấy phép xây dựng (nếu có).

Theo đánh giá của các thành viên thị trường, nội dung như Dự thảo cho thấy Bộ Xây dựng đang thể hiện quyết tâm muốn chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, trái phép đang diễn ra tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ thì nội dung trong Dự thảo lần này gần như không có gì khác so với Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Thông tư 02/2014/TT-BXD, hay trước đó là Nghị định 23/2009/NĐ-CP, Nghị định 180/2007/NĐ-CP.

Một vị chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, vấn đề chính yếu vẫn là con người. Ở các địa phương, lực lượng thanh tra xây dựng khá hùng hậu và hễ thấy người dân vừa mua, tập kết vật liệu xây dựng trước sân chuẩn bị sửa chữa nhà, họ đã xuất hiện kiểm tra giấy phép. Thế nhưng, điều lạ là nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn, thì thanh tra xây dựng lại không phát hiện hoặc không xử lý kịp thời. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, Dự thảo cần thêm trách nhiệm của cán bộ quản lý, giám sát trật tư xây dựng đô thị thì mới hiệu quả.

“Có phạt tiền chủ đầu tư 10 thì cũng phải phạt thanh tra xây dựng đến 8. Nếu không có sự đồng lõa, bao che của cơ quan thực thi thì khó có thể lọt được hành vi vi phạm lớn đến như vậy”, vị chuyên gia này nói.

Câu chuyện này đã từng được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành xây dựng năm 2016: “Tôi đã từng nói chuyện với nhiều cán bộ ở phường, đa số nắm địa bàn rất chắc. Thậm chí, con cái nhà ai thường xuyên đi chơi đêm về muộn họ cũng nắm được. Chuyện tòa nhà cao tầng mọc lên sai phép mà cán bộ phường không biết là rất lạ. Những chuyện như vậy cần phải xử lý nghiêm, bộ máy của ta đủ cả cơ mà”.

Chuyên đề