Xử lý nhà thầu gian lận

(BĐT) - Bên mời thầu A tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu, nhà thầu B tham dự thầu cả 2 gói thầu này. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu B bị phát hiện có hành vi gian lận, kê khai thông tin không trung thực đối với gói thầu số 1.
Ảnh minh họa: Lê Tiên
Ảnh minh họa: Lê Tiên

Hỏi:

Trong trường hợp này, HSDT của nhà thầu B đối với gói thầu số 2 có được xem xét, đánh giá tiếp hay không?

Trả lời:

Việc nhà thầu cố ý trình bày sai, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Nhà thầu có các hành vi gian lận này thì bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm căn cứ Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Như vậy, thoạt nhìn thì tưởng như nhà thầu có hành vi vi phạm cho gói thầu nào thì chỉ bị xử lý đối với gói thầu đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham dự thầu đối với các gói thầu thuộc phạm vi quản lý của mình thì HSDT của nhà thầu trong cả 2 gói thầu đang xét đều bị đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ theo Điểm e Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu, việc tham dự thầu của nhà thầu đối với các gói thầu tiếp theo trong 3 - 5 năm sắp tới cũng trở nên không còn ý nghĩa. Rủi ro hơn, khi xét thấy cần thiết, nhà thầu có thể bị người có thẩm quyền đề nghị cấm tham dự thầu ở một phạm vi rộng hơn như bộ, ngành, 1 tỉnh hoặc trên phạm vi cả nước. Có thể nói, việc kê khai thông tin không trung thực, “làm đẹp”, “mông má” HSDT không phải là xa lạ đối với nhiều nhà thầu nhưng rủi ro về mặt pháp lý của những việc này là rất rõ ràng. Bên cạnh đó, ở góc độ người có thẩm quyền, một khi đã có quy định, có chế tài, vi phạm đã rõ thì người được giao xử lý dẫu có e ngại hay nể nang thì vẫn phải xử lý nếu không muốn bản thân mình vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chuyên đề