Các dự án nghìn tỷ thua lỗ đang tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh: Nhã Chi |
Không thể chậm trễ
Đầu tháng 2/2017, Bộ Công Thương phát đi thông tin cho biết “sắp có phương án xử lý 12 dự án kém hiệu quả” và yêu cầu các đơn vị chuyên ngành trực thuộc lập báo cáo tổng thể về 12 dự án, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương trước ngày 10/2/2017. Đến nay, phương án xử lý vẫn chưa được Bộ này công bố.
“Nóng ruột” với việc xử lý các dự án này, tuần qua, trong cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo dứt khoát: “Đây là việc không thể chậm trễ. Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này”.
12 dự án, nhà máy nghìn tỷ thua lỗ thuộc ngành công thương bao gồm: Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy Đạm Hà Bắc; Nhà máy Đạm DAP 1 Lào Cai; Nhà máy Đạm DAP 2 Hải Phòng; Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy Ethanol Phú Thọ; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; Dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Để nắm bắt tình hình, từ giữa tháng 12/2016 tới cuối tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo đã trực tiếp thị sát, nắm bắt tình hình tại một số dự án nằm trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ nêu trên.
Không tăng thêm lỗ
Đề cập tới thực trạng của các dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phải chịu đau để cắt giảm, dừng rót thêm vốn. Cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân vào dự án đó có lớn cỡ nào, hãy xem như một khoản lỗ, giờ phải cắt lỗ. Ông Cung cho rằng, nếu bán được cho tư nhân đầu tư tiếp thì đây là phương án tốt.
Cho ý kiến về phương án xử lý đối với các dự án thua lỗ nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đề xuất: “Nên dẹp ngay 12 dự án này. Cắt đứt hoặc bán đi, khoản tiền thu được nên để đầu tư vào việc khác chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cứ để dùng dằng như vừa qua”. Theo ông Đức, việc các dự án thua lỗ không phải vấn đề mới phát sinh mà đã từ rất lâu rồi, Nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều nhưng đến nay không thể cứu vãn. Nếu Nhà nước tiếp tục hỗ trợ sẽ chẳng giải quyết được gì mà sẽ tiếp tục tốn kém cho ngân sách. “Trong số ngân sách dùng để đầu tư vào 12 dự án này có những khoản chúng ta phải đi vay, mà vay thì phải trả lãi… Dự án thì cứ “đắp chiếu”, đầu tư không hiệu quả cộng thêm trả lãi như vậy là rất nguy hiểm cho sức khỏe nền kinh tế”, ông Đức nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm không tiếp tục hỗ trợ cho những dự án thua lỗ “vô phương cứu chữa”, nhưng ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM cho rằng: “Phải đánh giá từng trường hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, đánh giá hiệu quả, đánh giá khả năng xử lý của từng dự án, chứ không thể có một giải pháp chung cho tất cả các dự án”. Theo ông Trung, sau khi đánh giá, dự án nào có thể phục hồi được thì phục hồi; còn dự án đã xem xét trên cơ sở thực tiễn, tài chính không thể phục hồi được thì phải xử lý dứt điểm như giải thể, phá sản. “Trường hợp những dự án không thể phục hồi mà chúng ta cứ cố gắng duy trì, hỗ trợ phục hồi thì sẽ gây tổn thất càng lớn cho nền kinh tế. Do đó, dứt khoát phải xử lý dứt điểm” - ông Phạm Đức Trung khuyến nghị.