Xin chữ, thú chơi tao nhã

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam để cầu mong may mắn, bình an và những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Người Việt xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” để nhấn mạnh thú chơi chữ từng được ưa chuộng hàng đầu trong dân gian.
Biểu diễn thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thùy Linh
Biểu diễn thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thùy Linh

Tập tục xin chữ có nguồn gốc từ chế độ khoa cử Nho giáo vốn thịnh hành trong xã hội phong kiến tại các quốc gia phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Xin chữ là biểu hiện tinh thần “sùng văn thượng học” của nền văn hóa coi trọng các giá trị nhân văn, một xã hội lấy học tập làm nền tảng rèn luyện cá nhân và là con đường tiến thân để phụng sự quốc gia, dân tộc.

Thời xưa, để xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ. Tùy tâm tư, nguyện vọng của người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ thích hợp. Ngoài cầu những điều mình mong muốn, người xin chữ còn muốn xin “lây” những phẩm chất, đức độ, tài năng của thầy đồ. Người được xin chữ là người văn hay, chữ tốt, có nhân cách đạo đức, có vị thế xã hội, nhất là trời ban tuổi thọ thì càng được kính trọng. Bởi vậy, người xin chữ hoàn toàn đặt mình trong tâm thế an nhiên, không tính toán xin chữ gì cụ thể mà ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó. Người cho chữ cũng được thỏa lòng khi chữ viết ra được trân quý, được thưởng thức trọn vẹn.

Ngày nay, người biết chữ Hán không còn nhiều như xưa, thú chơi chữ cũng đổi khác. Người ta chủ yếu xin một, hai chữ thưởng thức ngày Tết và tạo khí thế cho cả năm, thay vì xin cả câu văn hay câu đối như trước. Mặc dù vậy, giá trị nhân văn của thú chơi chữ, xin chữ đầu năm dường như vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Người xin chữ luôn mong tìm người có chuẩn mực nhân cách, đạo đức, trí tuệ để xin. Người cho chữ cũng vì vậy mà phải không ngừng đặt mình trong tâm thế của “kẻ sĩ”, nêu cao tính tự giác rèn tập, tu chỉnh bản thân cho mẫu mực, để mỗi con chữ khi được cho, tặng đều nương vào tài, đức của người cho chữ mà trở nên ý nghĩa bội phần.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, các thư pháp gia, người chơi chữ và những người yêu mến nghệ thuật thư pháp lại có dịp tề tựu trong Hội chữ Xuân và các hoạt động triển lãm thư pháp. Không chỉ là sân chơi của giới thư pháp, Hội chữ cũng là nơi bà con nhân dân tham quan, thưởng thức những tác phẩm thư pháp như “rồng bay, phượng múa” và có cơ hội xin chữ cho bản thân. Hình ảnh dòng người xếp hàng dài nghiêm cẩn chờ đến lượt xin chữ trong khuôn viên sân nhà Thái học là minh chứng cho sức sống của chữ Hán Nôm, thư pháp Hán Nôm cũng như giá trị cổ học và văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.

Những bức thư pháp ngoài giá trị nghệ thuật thư họa còn hàm chứa tư tưởng, văn hóa, đạo đức, có ý nghĩa giáo dục với người xin chữ. Tác phẩm thư pháp Hán Nôm nói chung, con chữ nói riêng vừa có ý nghĩa sâu sắc, vừa biểu hiện giá trị thẩm mỹ. Giá trị nội dung xuất phát từ ý nghĩa biểu đạt của chữ, là thông điệp mà chữ chuyển tải. Còn giá trị thẩm mỹ là hình thức trình bày một tác phẩm thư pháp, hay là kỹ pháp thể hiện và ý tưởng nghệ thuật trong tác phẩm thư pháp. Đối với nhiều người, xin chữ đầu năm là mong muốn thông qua con chữ gửi gắm tâm nguyện, mong cầu cho năm mới, hoặc lời tâm niệm, phát nguyện ý chí rèn tập, giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh, trí tuệ, đạo đức. Con chữ trong trường hợp này trở thành động cơ thôi thúc bản lĩnh và sự quyết tâm rèn giũa cá nhân để đạt đến mục tiêu đã đề ra.

Hoạt động xin chữ cũng là biểu hiện của truyền thống "tôn sư trọng đạo", coi trọng những người có công chỉ dạy, trao truyền kiến thức. Cổ nhân có câu “thư vi tâm họa, tự vi kỳ hình”. Câu này hiểu nôm na là, con chữ là bức tranh lòng, nét chữ chính là hình dáng người viết. Vì vậy, người xin chữ luôn mong tìm người có chuẩn mực nhân cách, đạo đức, trí tuệ để xin. Ngược lại, người cho chữ cũng vì vậy mà phải không ngừng đặt mình trong tâm thế của “kẻ sĩ”, tự giác rèn tập, tu chỉnh bản thân cho mẫu mực, để mỗi con chữ khi được cho, tặng đều nương vào tài, đức của người cho chữ mà trở nên ý nghĩa bội phần. Chữ nhờ đó không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn đóng vai trò lưu giữ, truyền tải nét đẹp văn hoá dân tộc.

Thư pháp Hán Nôm vốn không phải là bộ môn dành cho số đông, người viết thư pháp muốn đạt đến trình độ cao không thể có con đường tắt mà bắt buộc phải gia công khổ luyện. Việc rèn tập thư pháp đòi hỏi sự công phu, nỗ lực, kiên trì từng ngày mới mong có thể tiến bộ và thành công. Bên cạnh đó, người cho chữ không chỉ đòi hỏi biết viết, biểu diễn thư pháp mà quan trọng hơn phải hiểu sâu sắc nguồn gốc hình thành, cấu tạo, ý nghĩa, giá trị tư tưởng trong kinh điển mà con chữ chuyển tải. Từ đó lựa chọn và sử dụng từng con chữ hợp cảnh, hợp người, hợp thời và đúng tâm ý của người xin chữ. Hay cao hơn nữa, người cho chữ vì hiểu được mong muốn, thấu được tâm ý của người xin để cho chữ tương ứng. Với người xin chữ, xin được chữ ưng ý cũng giúp họ thêm phần tự tin, hứng khởi để bắt đầu những kế hoạch của năm mới.

Ngày nay, bên cạnh việc duy trì nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm, ngày càng nhiều người ở mọi lứa tuổi dành sự quan tâm và hứng thú tìm hiểu nghệ thuật thư pháp Hán Nôm. Có những người tìm hiểu vì tò mò, hưởng ứng theo trào lưu, nhưng cũng có người không giấu niềm khao khát, ham muốn tìm hiểu hồn cốt dân tộc gửi gắm trong con chữ của ông cha. Tất cả đều đáng quý, vì còn có người học, người tìm hiểu, thì còn người biết, người nghiên cứu, và nét văn hoá ấy ắt không thể mai một.

Người xưa có câu “nét chữ - nết người”. Đối với người học, thư pháp đem đến cho họ cơ hội mài giũa bản thân, bởi muốn có thành tựu thì không có con đường nào khác ngoài quá trình rèn tập kiên trì, nhẫn nại, từ đó còn giúp tôi luyện ý chí của bản thân để đắm mình trong những nét bút phiêu diêu, tự tại.

Điều đáng mừng là nhiều người trẻ nhận thức ngày càng rõ hơn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam không tách rời chữ Hán, chữ Nôm. Phần lớn tư liệu lịch sử, văn hóa đều gắn với chữ Hán Nôm. Vì thế, thông qua việc học tập trên giảng đường và thực hành dịch thuật văn bản, khảo tả di văn Hán Nôm tại các di tích, đình, đền, chùa, các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc và tường minh về thông tin trên di văn mà cổ nhân gửi gắm cũng như nguồn gốc và bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó chung tay gìn giữ, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Một đất nước muốn hùng cường ắt phải xuất phát từ nền tảng văn hóa, con người giàu phẩm chất và trí tuệ. Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chính là mạch nối để những thế hệ mai sau có cơ hội hiểu đầy đủ và đúng đắn về những điều tạo nên cốt cách tinh thần và phẩm chất của dân tộc. Thú chơi chữ, xin chữ với những giá trị đặc sắc biểu hiện cho nền văn hóa coi trọng các giá trị nhân văn và trí tuệ càng cần được lưu giữ, lan tỏa trong xã hội không ngừng biến đổi hiện nay, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyên đề