Ảnh minh họa. |
Lần đầu tiên trong lịch sử xếp hạng nhà thầu của Bộ GTVT, không có nhà thầu xây lắp nào bị đánh giá là “không đáp ứng yêu cầu”.
25 nhà thầu “trắng án”
Theo Quyết định số 1614/QĐ-BGTVT mới đây của Bộ GTVT, có 474 nhà thầu tham gia việc xếp hạng đánh giá năng lực nhà thầu xây lắp ngành GTVT năm 2016, trong đó, có 453 nhà thầu đáp ứng yêu cầu (95,6%) và 21 nhà thầu trung bình (4,4%). Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi Bộ GTVT thực hiện đánh giá xếp hạng nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng ngành GTVT (từ năm 2013) không có nhà thầu nằm trong danh sách “chưa đáp ứng yêu cầu”.
Việc đánh giá, xếp loại nhà thầu được Bộ GTVT thực hiện thường niên, theo 4 bậc đánh giá, từ cao đến thấp: “đáp ứng vượt yêu cầu”, “đáp ứng yêu cầu”, “trung bình” và “chưa đáp ứng yêu cầu”. Kết quả đánh giá việc thực hiện của nhà thầu xây lắp là một trong các thông tin để các bên liên quan tham khảo, xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng nguồn vốn NSNN do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Việc công bố kết quả thực hiện năm 2016 này có giá trị thay thế kết quả thực hiện năm 2015 của nhà thầu xây lắp và 25 nhà thầu xây lắp “chưa đáp ứng yêu cầu” của năm 2015 đã được “trắng án”. Kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp ngành GTVT năm 2015 cho thấy, trong tổng số 480 nhà thầu thì có 408 nhà thầu đáp ứng yêu cầu (chiếm 85%), 47 nhà thầu đạt trung bình (chiếm 9,8%) và 25 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu (chiếm 5,2%).
Nhìn trên bình diện tổng thể có thể thấy rằng, số lượng nhà thầu ngành GTVT được đưa vào đánh giá xếp hạng năm 2016 (474 nhà thầu) ít hơn năm 2015 (480 nhà thầu). Tuy nhiên, số lượng nhà thầu và tỷ lệ nhà thầu đáp ứng yêu cầu năm 2016 (453 nhà thầu, chiếm tỷ lệ 95,6%) cao hơn năm 2015 (408 nhà thầu, chiếm tỷ lệ 85%); số lượng nhà thầu trung bình năm 2016 (21 nhà thầu) chỉ bằng gần 50% so với năm 2015 (47 nhà thầu). Và một điều đặc biệt là trong bảng xếp hạng kết quả thực hiện năm 2016, không có nhà thầu xây lắp nào bị Bộ GTVT đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”.
Nên mừng hay lo?
Bộ GTVT cho biết, các nhà thầu có trên 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 21 lỗi trở lên/các gói thầu hoặc có từ một vi phạm trở lên trong các gói thầu sẽ bị đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”. Trong khi đó, các nhà thầu được đánh giá “đáp ứng yêu cầu” sẽ phải đáp ứng tiêu chí có từ 3 lỗi trở xuống/gói thầu hoặc từ dưới 8 lỗi/các gói thầu và không có vi phạm trong quá trình thực hiện.
Theo quy định của Bộ GTVT, đối với đấu thầu rộng rãi, hồ sơ mời sơ tuyển và hồ sơ mời quan tâm của nhà thầu sẽ bị loại nếu nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh được đánh giá ở mức “chưa đáp ứng yêu cầu” trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Đối với đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu, Bộ GTVT quy định không lựa chọn nhà thầu xây lắp bị đánh giá “chưa đáp ứng yêu cầu” do có vi phạm phải chấm dứt hợp đồng, được áp dụng trong vòng 3 năm kể từ ngày thông tin công bố của Bộ GTVT có hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia lâu năm về xây dựng cho rằng, việc kết quả thực hiện năm 2016 không có nhà thầu xây lắp nào “không đáp ứng yêu cầu” có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Trước hết, từ kết quả đó có thể cho thấy thực tế thực hiện của các nhà thầu ngành GTVT năm 2016 tốt hơn trước, không để xảy ra các lỗi đáng tiếc. Mặt khác, câu chuyện này cũng có thể liên hệ với việc tổ chức một kỳ thi sát hạch mà tất cả thí sinh đều “đỗ”. Điều này đặt ra việc nên xem xét lại các tiêu chí đánh giá một cách khoa học hoặc tiến tới xem xét việc nên hay không nên tổ chức kỳ thi này.
Còn đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông – cơ quan trực tiếp tham mưu trình bảng xếp hạng thường niên của Bộ GTVT cho biết, năm 2016, số lượng các gói thầu ngành GTVT được triển khai thực hiện không nhiều, ít hơn hẳn so các năm trước đó. Rút kinh nghiệm đối với việc công bố xếp hạng nhà thầu ở các năm trước (sau khi ban hành vẫn phải điều chỉnh), năm 2016, Cục đã tiến hành đánh giá một cách tỉ mỉ, cẩn trọng và đảm bảo độ chính xác cao.