Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022: Phù hợp khả năng cân đối, năng lực giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hai ngày 14 - 15/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức 3 hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 với các vùng trên cả nước.
Nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 611.367 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 611.367 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Xác định đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, Bộ KH&ĐT đã cùng với các địa phương trao đổi, hướng dẫn để nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 - bước quan trọng góp phần triển khai hiệu quả kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hiệu quả đầu tư.

Dự kiến nhu cầu vốn của địa phương sát hơn

Số liệu từ các hội nghị cho thấy, tổng hợp nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng là 121.686 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với kế hoạch năm 2021; vùng miền núi phía Bắc dự kiến 59.019 tỷ đồng (chưa tính nhu cầu bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia), tăng 42,79% so với kế hoạch 2021; vùng miền Trung 91.641 tỷ đồng, tăng 34,55% so với kế hoạch năm 2021; vùng Tây Nguyên 20.632 tỷ đồng, gấp 1,31 lần kế hoạch 2021; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 65.713 tỷ đồng, tăng 18,62% và Đông Nam Bộ là 96.487 tỷ đồng, tăng 15,6% so với kế hoạch năm 2021.

Theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, năm 2022 là năm đầu tiên các địa phương dự kiến nhu cầu vốn sát hơn khả năng bố trí thực tế. Các năm trước nhu cầu thường gấp 2 - 3 lần khả năng, phải phối hợp rà soát nhiều lần. Tổng hợp báo cáo từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là 611.367 tỷ đồng. Về cơ bản, nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên cơ bản khắc phục được tình trạng lâu nay là xây dựng nhu cầu rất cao, không sát khả năng bố trí thực tế.

Nâng cao chất lượng ngay từ khâu lập kế hoạch

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Quốc hội đã quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, lần đầu tiên giao ngay hết kế hoạch tổng thể 5 năm cho các địa phương, chỉ còn một số dự án cần hoàn thiện thêm thủ tục. Địa phương nắm được số vốn trong 5 năm, từ đó tự quyết định việc sử dụng nguồn lực này phân bổ cho các dự án.

Với quy định phân cấp, phân quyền mạnh, vai trò của địa phương trong xây dựng kế hoạch đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ KH&ĐT, về cơ bản, các địa phương đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 với các danh mục chi tiết gắn với ngành, lĩnh vực cụ thể và với từng nguồn vốn đầu tư công, được gắn với kế hoạch đầu tư 2021 - 2025 theo thứ tự ưu tiên đầu tư về ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá.

Tuy nhiên, trao đổi tại hội nghị với 2 vùng phía Bắc, ông Đỗ Thành Trung cho biết, còn một số địa phương chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức khi xây dựng kế hoạch. Một số địa phương không đề xuất vốn thu hồi vốn ứng trước, chưa bố trí đủ vốn cho dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chưa bố trí đủ vốn cho dự án đã quá thời gian bố trí vốn, dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt nhưng không đề xuất bố trí kế hoạch năm 2022… Chất lượng và sự quan tâm đối với công tác lập kế hoạch của một số địa phương chưa tốt, trong khi đây là bước có vai trò rất quan trọng tác động đến việc triển khai thực hiện, giải ngân.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, mặc dù bối cảnh khó khăn nhưng Chính phủ quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu tăng trưởng kế hoạch 2021 - 2025, năm 2022 phải cố gắng tăng trưởng đạt 6 - 6,5%. Đầu tư công đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Dù nguồn lực cho đầu tư năm 2022 rất khó khăn do tác động của dịch, nhưng Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ theo hướng năm 2022 dự kiến tổng dự toán NSNN là gần 517 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021, trong đó, cố gắng vốn ngân sách trung ương là 222 nghìn tỷ đồng, bằng năm 2021; vốn ngân sách địa phương gần 295 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp với khả năng cân đối vốn, năng lực giải ngân, theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn; gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các dự án liên vùng. Việc xây dựng kế hoạch cần bám sát, căn cứ nhu cầu thực tế và tình hình giải ngân, khả năng triển khai của từng dự án để bố trí nguồn vốn cho phù hợp, tránh tình trạng giải ngân chậm, phải đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động lựa chọn bố trí vốn năm 2022 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân. Khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch. Trong đó, chuẩn bị các thủ tục để phê duyệt quyết định đầu tư dự án khởi công mới, kịp triển khai trong năm 2021, năm 2022.

Việc xây dựng kế hoạch sát, bố trí vốn đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sẽ đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình, dự án, đặc biệt là công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Chuyên đề