Theo dự kiến, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường Vành đai 3, Vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM… Ảnh: Lê Tiên |
Tạo động lực cho tăng trưởng
Năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, nền kinh tế đang chịu tác động nhiều mặt, nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Theo nhiều ý kiến, quá trình phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế là rất khó khăn, cần thời gian, từ 3 - 4 năm sau khi kết thúc dịch, tốn nhiều chi phí cũng như có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, có thể ảnh hưởng đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước. Trong thời điểm này, việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, tạo nền tảng hạ tầng tốt để nền kinh tế có điều kiện tăng tốc ở giai đoạn phục hồi sau dịch.
2,87 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua phương án phân bổ. Nguồn vốn được bố trí có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới… Trong số các địa phương, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước có số vốn phân bổ lớn nhất, với hơn 209 nghìn tỷ đồng cho TP. Hà Nội, hơn 156 nghìn tỷ đồng cho TP.HCM. Theo một số chuyên gia, vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đầu tàu kinh tế là rất lớn, việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phát triển nhanh các vùng động lực sẽ tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, một trong những điểm mang tính cách mạng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 là đã giảm mạnh số lượng dự án đầu tư trong kỳ. Theo đó, tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 dưới 5.000 dự án, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020 là 11.000 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (88 tỷ đồng/dự án). Nguồn vốn tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng, trọng điểm quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới; tăng cường liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các vùng, các địa phương...
Trên bình diện cả nước, theo thống kê trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương đề xuất đến thời điểm tháng 3/2021 là 3,9 triệu tỷ đồng. Nếu các bộ, ngành, địa phương muốn đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư sẽ cần huy động thêm hơn 1 triệu tỷ đồng từ các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách nhà nước.
Với kế hoạch giảm mạnh về số lượng dự án để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nếu tổ chức thực thi hiệu quả hơn, theo Bộ KH&ĐT, dự kiến kết quả đầu ra của Kế hoạch 5 năm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường Vành đai 3, Vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL; bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng khan hiếm nước… Bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội... Diện mạo hạ tầng kinh tế sẽ có những đột phá sau 5 năm tới, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung, dài hạn.
Phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng thêm nguồn vốn đầu tư trong Kế hoạch 2021 - 2025 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời giảm số lượng dự án đầu tư công một nửa để đầu tư tập trung, tạo ra được các dự án có tính chất lan tỏa, liên vùng và quốc gia, tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, hơn 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư công không phải là nhiều so với nhu cầu về vốn đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, cần phải nhấn mạnh là vốn đầu tư công chỉ là vốn mồi để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt phải đẩy mạnh thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). “Chúng ta đã có Luật PPP, không còn thiếu khung khổ pháp lý như giai đoạn trước đây. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm về dự án đầu tư PPP rất thành công, như cao tốc Vân Đồn - Quảng Ninh - Hạ Long và sân bay Vân Đồn. Đây là minh chứng nếu kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tốt sẽ tạo ra được nguồn lực phát triển”, ông Hoàng Văn Cường nhận định. Đồng thời, ông Cường gợi mở, nếu như dự án không thực sự hấp dẫn thì phải thiết kế, tách các dự án độc lập, tìm ra đâu là khâu nghẽn và Nhà nước đầu tư vào khâu nghẽn đó, khâu còn lại tính toán nhu cầu đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư tư nhân.
Trên bình diện cả nước, theo thống kê trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương đề xuất đến thời điểm tháng 3/2021 là 3,9 triệu tỷ đồng. Nếu các bộ, ngành, địa phương muốn đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư sẽ cần huy động thêm hơn 1 triệu tỷ đồng từ các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách nhà nước.
Tại Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc thu hút đầu tư tư nhân thông qua cải cách mạnh thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về PPP. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh quan điểm vốn ngân sách trung hạn là vốn mồi, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác, đặc biệt là theo phương thức PPP. Hiện một số địa phương cũng đã, đang chuẩn bị những dự án cao tốc lớn theo phương thức PPP với quyết tâm triển khai rất lớn, như cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) với kỳ vọng khi các dự án hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương và cả vùng kinh tế. 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phác họa của Bộ Giao thông vận tải phần lớn triển khai theo phương thức PPP… Với vai trò vốn mồi, nguồn vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ kích hoạt thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.