Đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025: Kích hoạt, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với 474/476 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,99%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục cơ cấu lại ĐTC và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
Quốc hội quyết nghị tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 90% kế hoạch giao, số dự án hoàn thành đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội quyết nghị tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 90% kế hoạch giao, số dự án hoàn thành đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Ảnh: Lê Tiên

Theo Nghị quyết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công. Đáng lưu ý, Quốc hội quyết nghị tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC, giảm tỷ trọng vốn ĐTC trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của ĐTC, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội cũng như góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Nghị quyết nêu rõ định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, trong giai đoạn 2016 - 2020, còn tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư hằng năm, giao nhiều lần…; trong một số trường hợp, bố trí vốn chưa phù hợp thứ tự ưu tiên. “Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến bố trí vốn của Chính phủ đã tập trung hơn, tổng số dự án chỉ còn dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cơ bản đã bố trí theo đúng thứ tự ưu tiên”, ông Cường cho biết.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết nêu rõ, “ĐTC phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển đã đặt ra trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; lấy ĐTC dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược. Bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo...”.

Trong số các dự án cụ thể được nêu trong Nghị quyết, Quốc hội đã quyết nghị hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1). Khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021 - 2025...

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

* Số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

- Phân bổ vốn ngân sách trung ương 1.090.014,445 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách địa phương 1.233.000 tỷ đồng.

* Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia

- Bố trí 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 20.000 tỷ đồng.

Chuyên đề