Xây dựng, ban hành định mức, đơn giá xây dựng: Tâm lý ngại trách nhiệm bao trùm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc định mức, đơn giá lạc hậu, không theo kịp sự thay đổi của công nghệ, biện pháp thi công, thực tiễn thi công, biến động giá cả là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của đầu tư xây dựng, nhất là đối với công trình giao thông. Cần có “thuốc chữa” kịp thời “căn bệnh kinh niên” này để gỡ khó cho nhà thầu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lợi nhuận định mức tại các gói thầu xây lắp giao thông hiện khoảng 5%, không đủ để bù đắp những bất cập về đơn giá, định mức và biến động giá vật liệu xây dựng. Ảnh: Nhã Chi
Lợi nhuận định mức tại các gói thầu xây lắp giao thông hiện khoảng 5%, không đủ để bù đắp những bất cập về đơn giá, định mức và biến động giá vật liệu xây dựng. Ảnh: Nhã Chi

Đi làm Graber thu nhập còn cao hơn kỹ sư tư vấn

Định mức, đơn giá không phù hợp thực tiễn thi công, không cập nhật theo thị trường, trong khi biến động giá cả vật liệu quá lớn, khiến nhà thầu càng làm càng khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Với nhà thầu xây lắp, từ nhà thầu lớn đến nhà thầu nhỏ đều “kêu trời”. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Trung Chính… phản ánh tại rất nhiều hội thảo, tọa đàm về khó khăn của nhà thầu, khi “thuyền to sóng lớn”, nhận công trình lớn thua lỗ càng nhiều vì định mức, đơn giá lạc hậu, thiếu. Các doanh nghiệp chỉ ra, định mức xây dựng hiện áp dụng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ban hành ngày 31/8/2021. Tuy nhiên, nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ, dẫn đến nhà thầu xây lắp công trình giao thông chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị công nghệ đã đầu tư để triển khai dự án. Lợi nhuận định mức tại các gói thầu xây lắp giao thông hiện khoảng 5%, không đủ để bù đắp những bất cập về đơn giá, định mức và biến động giá vật liệu xây dựng trong giai đoạn thi công. Điều này đẩy không ít nhà thầu vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh và bắt kịp sự phát triển của các nhà thầu quốc tế.

Với nhà thầu xây lắp nhỏ, Báo Đấu thầu đã không ít lần nghe những lời than thở: Doanh nghiệp không còn kinh phí bù chênh lệch, phải bỏ hợp đồng, hay đã phá sản.

Không chỉ các doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu tư vấn, ban quản lý dự án công trình giao thông cũng gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống đơn giá, định mức bất cập, dẫn đến khó giữ chân, phát triển được đội ngũ tư vấn giỏi, nâng tầm chất lượng tư vấn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), định mức đối với công tác tư vấn còn nhiều bất cập. Định mức chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình giao thông thấp hơn rất nhiều so với công trình dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo một số công ty tư vấn công trình giao thông ngậm ngùi nói: “Đi làm Graber thu nhập còn cao hơn kỹ sư tư vấn”. Ông Đỗ Đức Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cho biết, để đào tạo được một kỹ sư có đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm giám sát dự án cao tốc rất khó. Ví dụ, để có thể tham gia giám sát Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, đòi hỏi kỹ sư phải có chứng chỉ hạng 1, đồng nghĩa cần 8 - 10 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, định mức chi phí cho nhiều vị trí tư vấn giám sát công trình giao thông còn quá thấp, một số vị trí tính ra chỉ đạt mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. “Bây giờ kỹ sư giỏi tìm rất khó, vì nhiều lĩnh vực khác thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Chúng tôi mong muốn có sự nhìn nhận, xem xét để tăng định mức chi phí giám sát trong công trình giao thông, tạo điều kiện cho kỹ sư gắn bó với nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giám sát”, ông Long chia sẻ.

Đại diện nhiều ban quản lý dự án cũng phản ánh khó khăn khi định mức chi phí quản lý dự án công trình giao thông thấp hơn nhiều so với công trình dân dụng, nông nghiệp, trong khi đặc thù công trình giao thông thường trải dài theo tuyến, qua nhiều địa phương, điều kiện địa hình, sinh hoạt, đi lại khó khăn; phải thực hiện nhiều thủ tục và di chuyển nhiều để rà soát hiện trường; nhiều dự án giao thông có thời gian chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành quyết toán lên tới cả chục năm…

Thẩm quyền rõ, vẫn khó xử lý

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, Luật Xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung và tinh thần của các luật liên quan từ giai đoạn 2020 đến nay là phân cấp, phân quyền cho các chủ thể để tự chịu trách nhiệm, trong đó có việc lập định mức và công bố giá. Công nghệ, điều kiện thi công thay đổi, các định mức phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quan trọng nhất là kịp thời và xác định rõ thẩm quyền thẩm định thuộc về ai. Quy định hiện hành đã đổi mới để phù hợp với thực tiễn nhưng khi vận dụng thực tế lại có sự lúng túng, chưa được hiểu đúng và đầy đủ… dẫn đến bất cập. Đây là thực trạng cần giải quyết.

Công nghệ, điều kiện thi công thay đổi, các định mức phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quan trọng nhất là kịp thời và xác định rõ thẩm quyền thẩm định thuộc về ai. Quy định hiện hành đã đổi mới để phù hợp với thực tiễn nhưng khi vận dụng thực tế lại đang lúng túng, chưa được hiểu đúng và đầy đủ… dẫn đến bất cập.

Một số ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải cho biết, dù quy định đã có bước tháo gỡ, giao quyền cho chủ đầu tư chủ động xây dựng, ban hành định mức còn thiếu, nhưng khi triển khai lại không thông suốt. Địa phương công bố giá chưa sát, chưa phù hợp, sở xây dựng nói là chỉ công bố thôi, áp dụng hay không là quyền của chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế qua các cuộc thanh tra, kiểm toán, cơ quan thanh tra, kiểm toán đều căn cứ theo công bố giá của địa phương.

Tại Hội nghị triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg do Bộ Xây dựng tổ chức, đại diện nhiều sở xây dựng địa phương chia sẻ, với công trình chưa có định mức, chủ đầu tư có thẩm quyền tự xây dựng, nhưng công việc này rất phức tạp, đôi khi nằm ngoài năng lực của chủ đầu tư và tư vấn, nên vận dụng luôn định mức khác dẫn đến chưa phù hợp. Khung đơn giá nhân công xây dựng theo thông tư của Bộ Xây dựng có biên độ dao động, nhưng thực tế giá nhân công cao hơn nhiều dù đã tính biên độ, nhất là công việc khó, nguy hiểm, cần nới biên độ để địa phương chủ động công bố phù hợp.

Từ góc độ Bộ Xây dựng, lãnh đạo Cục Kinh tế xây dựng nhìn nhận, dù quy định cho phép nếu địa phương công bố đơn giá nhân công, ca máy… chưa phù hợp thì chủ đầu tư xác định, ban hành để đáp ứng yêu cầu đặc thù chuyên ngành, nhưng nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại giải trình khi thanh tra, kiểm toán.

“Nhiệm vụ của Bộ Xây dựng không phải là làm tất cả các loại định mức mà phải phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chứ không ban hành thay. Nếu còn mục nào chưa rõ, chưa kỹ thì phải làm sáng tỏ. Các chủ thể gặp khó khăn khi thực hiện và có phản ánh thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp cùng hướng dẫn thực hiện”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, các khó khăn, vướng mắc về định mức, đơn giá đã được nhận diện, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, trong công việc này đã có sự phân cấp, phân quyền đến các bộ chuyên ngành, địa phương, chủ đầu tư. Và thực tế, vai nào cũng khó, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải có cái khó, địa phương, chủ đầu tư cũng có cái khó, nhưng không thể vì khó mà không làm đúng trách nhiệm. Các bên cần thực hiện đúng vai mới xử lý nhanh chóng được.

Chuyên đề