Vươn lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu

(BĐT) - Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới xem là điểm đến hấp dẫn và có triển vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của một số doanh nhân về giải pháp đưa doanh nghiệp Việt lên nấc thang mới.
Tập trung xây dựng và phát triển nội lực lớn mạnh là yêu cầu đầu tiên để doanh nghiệp bước lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị. Ảnh: Đoàn Quý Bắc
Tập trung xây dựng và phát triển nội lực lớn mạnh là yêu cầu đầu tiên để doanh nghiệp bước lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị. Ảnh: Đoàn Quý Bắc

Chính sách cần đồng bộ trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Amata

Rất nhiều DN Việt Nam hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Amata đang nỗ lực chuyển đổi mô hình sang phát triển xanh, thân thiện với môi trường, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi các DN phát triển theo tiêu chí xanh, tái sử dụng tài nguyên hiện hữu, tuần hoàn năng lượng, tuần hoàn DN sẽ được đánh giá cao khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nhiều quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa tương thích cũng như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN được hưởng lợi từ chính nỗ lực này. Cụ thể, nước thải của nhiều nhà máy trong KCN sau khi xử lý có thể làm nguồn nước đầu vào sản xuất cho những nhà máy khác, tạo ra quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm nước thải ra môi trường, phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Nước thải tái sử dụng giá sẽ rẻ hơn nước sạch do nhà máy nước cung cấp, đồng thời tiết kiệm được tài nguyên nước, giảm chi phí cho DN, tăng khả năng cạnh tranh. Song quá trình triển khai tại KCN lại gặp khó khăn vì chưa có quy định chi tiết của Chính phủ. Do đó, KCN đề xuất sớm có quy định về quá trình này để DN dễ triển khai. DN cần bệ phóng từ chính sách ưu đãi, hướng dẫn thực thi hiệu quả để nâng cao giá trị tuần hoàn tài nguyên, nâng cao vị thế của DN Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập trung xây dựng và phát triển nội lực lớn mạnh

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Giao dịch hàng hóa quốc tế MXL

Việt Nam hiện chỉ có 2% DN có quy mô vừa và lớn, chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt các DN nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. 98% số DN còn lại thuộc quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao…, dẫn đến sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế.

Để bước lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị, DN Việt nên tập trung xây dựng và phát triển nội lực; dám nghĩ, dám làm, tăng đầu tư phát triển, nêu cao tinh thần doanh nhân kinh doanh toàn cầu. DN cần sớm định hướng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, vận dụng được sức mạnh của các đòn bẩy để nâng cao năng lực và quy mô, tạo điều kiện tốt để tham gia sâu vào chuỗi giá trị lớn. DN nên đặt các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn dựa trên sự thấu hiểu môi trường vĩ mô và vi mô, từ đó đưa ra chiến lược thực tế và hành động nhanh, quyết liệt để nắm bắt các cơ hội. Bên cạnh đó, DN cũng phải nghiên cứu, dự báo trước các xu thế lớn để chủ động nắm bắt cơ hội hiện tại và tương lai.

Chính sách pháp luật cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn

Ông Hoàng Minh Trí, Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH 4P

Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ ba. Đây là một cơ hội lớn và các bộ, ngành, địa phương cần sớm có chính sách phù hợp để không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy DN trong nước gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của chính quyền từ Trung ương tới địa phương.

Thực tế, khung pháp luật đã cải thiện nhiều, nhưng chưa bắt kịp với làn sóng đầu tư cũng như giải quyết vấn đề bức bách của DN. Với công ty chúng tôi, nhiều người thắc mắc tại sao 4P phải tách thành 2 dự án đầu tư riêng lẻ tại Hưng Yên và Hải Phòng, đó là vì việc thành lập dự án mới sẽ được hưởng chính sách ưu đãi tốt hơn so với việc mở rộng dự án hiện có. Đây là điều bất cập. Hay về chính sách thuế, khi nhập khẩu máy móc công nghệ, bên bán được yêu cầu hỗ trợ lắp đặt, đào tạo, thì ngoài chi phí đầu tư máy, nhà đầu tư còn phải trả thuế VAT đầu vào, chỉ được bù trừ dần khi khấu hao, sử dụng máy. Điều này làm giảm tính cạnh tranh, không khuyến khích DN đổi mới…

Để nắm bắt cơ hội phát triển, DN cần tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy, DN phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng, có giá cạnh tranh và tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất. Việc giao hàng đúng hạn cũng có ảnh hưởng tới quyết định của người mua.

Cộng đồng doanh nghiệp cần “trợ lực”

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai

Các con số thống kê mới được công bố cho thấy, nền kinh tế phục hồi rất tích cực và đang tăng tốc về đích. Đóng góp vào sự phục hồi kinh tế có vai trò lớn của cộng đồng DN Việt Nam. Dù vậy, DN đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng chậm và lạm phát cao. Ngoài khó khăn về thị trường, DN còn gặp khó về vốn, thủ tục hành chính... Nhiều kế hoạch đầu tư, kinh doanh kéo dài hoặc rơi vào đình trệ.

Theo tôi, cần khắc phục ngay sức ì trong giải quyết các thủ tục hành chính, vì hiện nhiều khâu thủ tục làm dự án đầu tư ách tắc. Đơn cử, có dự án sản xuất 3 năm vẫn chưa xong thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường khiến các khoản đầu tư không thể phát huy hiệu quả, DN gánh chi phí tài chính lớn, bị bào mòn tiềm lực. Cần tạo đột phá về quy trình thủ tục, giảm gánh nặng hồ sơ cho DN, đặc biệt cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính.

Ngoài ra, cộng đồng DN cần những chính sách “trợ lực” để phát triển. Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đưa ra chính sách tài khóa với việc giãn, giảm thuế, ưu đãi lãi suất và tâm điểm là tăng đầu tư công. Xác định chính sách đúng, trúng song khâu thực thi phải kịp thời, hiệu quả để chính sách phát huy tác dụng và đúng ý nghĩa.

Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư diễn ra mạnh mẽ, DN Việt Nam cần chính sách hỗ trợ để tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của các tập đoàn công nghệ lớn ngay tại “sân nhà”. Đã đến lúc đặt điều kiện với dự án FDI trong việc gia tăng sử dụng chuỗi giá trị phụ trợ trong nước, đảm bảo các bên cùng có lợi.

Chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải)

Các DN cần tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế, trước sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, THACO đã có những thay đổi chiến lược, thích nghi, nắm bắt thời cơ phát triển quy mô.

Khi tham gia chuỗi cung ứng, THACO Industries đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới như Kia, Mazda, Peugeot... Với mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó xuất khẩu đạt 500 triệu USD, THACO Industries sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, tập trung phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính các DN phải tự thân nỗ lực thay đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng. Với xuất phát điểm đa số là nhỏ lẻ, lại bị đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào thị trường thế giới, DN cần nâng cao vai trò của hoạt động logistics, tăng cường liên kết, kết nối với đối tác trên thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hướng tới hình thành, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T

Tập đoàn T&T đã hoàn thành xây dựng gần 1.000 MW điện gió và điện mặt trời, đồng thời, Tập đoàn cũng đã khởi công dự án điện khí LNG 1.500 MW. Mục tiêu 10 năm tới, Tập đoàn sẽ đầu tư và đưa vào vận hành từ 12.000 - 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, chúng tôi có một chiến lược phát triển dài hơi.

Cụ thể, Tập đoàn đang nghiên cứu thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo (NLTT) để kêu gọi đầu tư sản xuất các cấu kiện hàng hóa lớn, các trang thiết bị tại chỗ hướng tới hình thành, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Lý do là hiện tất cả các dự án NLTT của Việt Nam gần như phụ thuộc vào thiết bị và linh kiện nhập khẩu.

T&T đang tiến hành khảo sát cũng như làm việc với một số địa phương để sớm có đề xuất chính thức lựa chọn địa điểm phù hợp căn cứ trên 2 tiêu chí chính. Một là địa phương phải có tiềm năng lớn về NLTT để có thể phục vụ ngay nhu cầu tại chỗ. Hai là có cảng biển thuận tiện cho vận chuyển trang thiết bị, nhất là đối với điện gió ngoài khơi thường có nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn T&T cũng hướng tới việc đi đầu về công nghệ với việc dự kiến đầu tư sản xuất hydrogen để chủ động cho các dự án điện gió quy mô lớn, đồng thời nghiên cứu đầu tư sản xuất công nghệ, hướng tới công nghệ ngày càng phát triển với giá thành ngày càng giảm, từ đó có điện sạch với giá thành hợp lý.

Thiếu “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi cung ứng

Ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vina Electrics

Dù Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp, nhưng so với nhiều nước trên thế giới, ngành công nghiệp nước ta vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được cải thiện, trong đó có việc thiếu DN lớn có tính dẫn dắt, lan tỏa.

Ngay trong ngành sản xuất thiết bị điện, hiện chưa có DN nào tạo hiệu ứng lan tỏa trở thành “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi cung ứng trong nước. Thực tế này gây khó khăn không nhỏ đối với các nhà sản xuất vì thiếu thiết bị cung ứng. Điển hình như trường hợp của DN chúng tôi. Công ty CP Vina Electrics là nhà sản xuất thiết bị điện cung cấp cho các đường dây truyền tải điện, nhưng hiện còn thiếu các nhà sản xuất linh kiện trong nước, buộc DN phải nhập khẩu. Việc nhập khẩu hàng hóa khiến chi phí cấu thành giá vốn rất lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa.

Để có thêm nhiều nhà cung cấp, hoàn thiện chuỗi cung ứng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN trong nước, nhất là DN ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt hơn nữa với việc ban hành các cơ chế ưu đãi, trợ giúp DN bứt phá, hình thành “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi cung ứng.

Chuyên đề