Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Không thể trông chờ vào người “dẫn đầu”

BĐT-Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Long An.
 
Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết với nhau thông qua một loạt chính sách phát triển hạ tầng vệ tinh, đồng bộ, mang tính kết nối. 	Ảnh: Tất Tiên
Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết với nhau thông qua một loạt chính sách phát triển hạ tầng vệ tinh, đồng bộ, mang tính kết nối. Ảnh: Tất Tiên

Cơ chế điều phối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đánh giá là lỏng lẻo và thiếu tính bền vững. Cơ chế điều phối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đánh giá là lỏng lẻo và thiếu tính bền vững, dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng loay hoay tự tìm các mối liên kết. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các địa phương thuộc vùng kinh tế có vai trò quan trọng và năng động bậc nhất cả nước này tìm được tiếng nói chung?

Từ câu chuyện “dẫn đầu” hay “đứng đầu”

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Long An. Lâu nay, TP.HCM vẫn được coi là “người dẫn đầu”, là địa phương có vai trò tạo động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm lấy ý kiến của đông đảo chuyên gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm tiếp tục giữ vững phong độ của địa phương năng động ở top trên của khu vực phía Nam. Nhiều chuyên gia đã nhìn nhận Bình Dương, cùng với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải tự liên kết với nhau thông qua một loạt chính sách phát triển hạ tầng vệ tinh, đồng bộ, mang tính kết nối.

PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Vì bản thân các địa phương này đã nhận ra việc có mặt trong một khu vực kinh tế năng động, trông chờ vào người “dẫn đầu” để làm động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển (TP.HCM), đã không thể hiệu quả bằng việc tự tạo sức mạnh liên kết để cùng nhau “đứng đầu” mà không phụ thuộc vào người “dẫn đầu”.

Tâm lý “đứng đầu” hơn “dẫn đầu” đã và đang được mặc nhiên thừa nhận trong phát triển vùng kinh tế TP.HCM, không chỉ tại TP.HCM mà còn lây lan sang toàn bộ các tỉnh còn lại PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa

Câu chuyện “dẫn đầu” hay “đứng đầu” một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ chi tiết hơn tại Hội thảo “Cơ chế điều phối liên kết vùng TP.HCM” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM. Các đại biểu đều có chung nhận định, mối quan hệ giữa Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương với TP.HCM (4 rường cột chính của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng chính là khu vực kinh tế vùng TP.HCM) chưa tốt, chưa phát huy được lợi thế vùng.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM mở đầu câu chuyện bằng dẫn chứng không thể sinh động hơn: “Có hai dự án hạ tầng giao thông được triển khai đã thể hiện rõ tính liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang rời rạc, kém hấp dẫn và kém hiệu quả như thế nào. Đó là dự án Tỉnh lộ 10 nối Long An với TP.HCM và Dự án Quốc lộ 13 nối Bình Dương với TP.HCM. Cả hai dự án tuy triển khai vào thời điểm khác nhau, nhưng đều có vai trò quan trọng là kết nối huyết mạch giao thương giữa trục TP.HCM - Bình Dương, TP.HCM - Long An. Nhưng số phận của 2 dự án giống hệt nhau ở chỗ, trong khi các địa phương Bình Dương và Long An nỗ lực hết sức để xây dựng một công trình giao thông thông thoáng, hiện đại, sức lưu thông lớn thì ngược lại, vừa chạm ngõ TP.HCM, các dự án này lập tức co cụm lại, xấu xí và kém năng suất hơn hẳn”.

Nhiều người cố gắng lý giải, nhưng cuối cùng, đều phải tự trả lời, việc các trục giao thông kết nối đối với Bình Dương, Long An thì quan trọng, nhưng với TP.HCM chưa hẳn lại như vậy. Tâm lý “đứng đầu” hơn “dẫn đầu” đã và đang được mặc nhiên thừa nhận trong phát triển vùng kinh tế TP.HCM, không chỉ tại TP.HCM mà còn lây lan sang toàn bộ các tỉnh còn lại - PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh.

“Hiện TP.HCM đang có quá nhiều thỏa thuận, ký kết hợp tác kinh tế với rất nhiều tỉnh/thành khác trong cả nước (kể cả với Tây Bắc). Trong khi đó, ngay tại nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực gần như hội tụ mọi yếu tố cần thiết để hợp tác toàn diện thì lại đang được kết nối một cách lỏng lẻo, thậm chí đôi chỗ còn kìm chân nhau”, các chuyên gia của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam dẫn chứng.

Luật Quy hoạch sẽ tạo khung thể chế cho liên kết vùng

Dự thảo Luật Quy hoạch đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ được nhiều chuyên gia dẫn chứng tại Hội thảo để từ đó đề nghị nhiều biện pháp để chấn chỉnh lại công tác liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo phân tích của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM: “Các liên kết vùng theo chiều dọc (là phân cấp - phân quyền) vẫn là loại liên kết chủ yếu. Trong khi đó, liên kết theo chiều ngang (chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các tỉnh trong vùng) lại quá mờ nhạt, thậm chí là không có. Việc liên kết vùng cũng mới chỉ dừng ở cấp chính quyền các tỉnh/thành với nhau mà chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp. Đối với vùng TP.HCM, hiện nay vẫn chưa có ban chỉ đạo cũng như chưa có cơ chế điều phối thực hiện mặc dù quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008”.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, hiện nay, quy hoạch vùng, liên tỉnh được lập nhưng không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện nên không thể triển khai thực hiện được. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Đặc biệt, sự thiếu gắn kết này dẫn tới tình trạng phải xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Trên cùng một lãnh thổ, nhiều quy hoạch có sự trùng lặp về nội dung và cấp phê duyệt dẫn đến khó khăn khi tổ chức triển khai thực hiện và làm giảm hiệu quả của quy hoạch. Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về kỹ thuật, thiếu cơ sở để xác định động lực cho sự phát triển, xem nhẹ gắn kết ngành và lãnh thổ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, theo tinh thần của Dự thảo Luật Quy hoạch, những nội dung và tư duy mới về quy hoạch vùng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay. Luật Quy hoạch khi được ban hành được mong đợi là khung pháp lý vững chắc để tạo đà cho công tác liên kết vùng TP.HCM phát huy lợi thế. Từ đó, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ, cấp quy hoạch vùng và địa phương của TP.HCM.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư