Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2017 của Vinalines là âm 3.253 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn |
Theo đó, hình thức cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines được Bộ GTVT áp dụng là kết hợp vừa bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đây là lần thứ 2 trong 3 tháng và lần thứ 3 tính từ năm 2014, phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này được trình.
Giảm tỷ lệ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược
Vinalines cho biết, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ mới nhất (trong tháng 3/2018) được xây dựng theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 đã có những thay đổi so với phương án tháng 12/2017. Cụ thể, vốn điều lệ dự kiến của Vinalines sau khi cổ phần hóa thành công sẽ là 14.046,05 tỷ đồng (tăng thêm 130 tỷ so với phương án tháng 12/2017), trong đó giá trị phần vốn nhà nước theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 là 11.946,05 tỷ đồng. Giá trị phần vốn phát hành thêm là 2.100 tỷ đồng (nhu cầu bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh; đầu tư và tái cơ cấu tài chính).
Không chỉ vậy, cơ cấu vốn điều lệ của Vinalines sau cổ phần hóa cũng có sự thay đổi lớn. Theo đó, tỷ lệ chào bán cho cổ đông chiến lược được giảm mạnh từ mức 30% xuống chỉ còn 14,8%, tương đương với 207.896.970 cổ phần. Trong khi đó, tỷ lệ đấu giá công khai được tăng lên 20%, tương đương với 280,92 triệu cổ phần so với 4,84% trước đó. Mức giá khởi điểm đấu giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần. Với kế hoạch này, thời gian tiến hành IPO sẽ được diễn ra vào tháng 8/2018 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trước tháng 10/2018.
Như vậy, mặc dù tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư đã giảm còn 14,8% vốn điều lệ, song nếu trúng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu 34,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lớn nhất tại Việt Nam này.
Hiệu quả kinh doanh không khả quan
Vinalines là tổng công ty hàng đầu của Việt Nam hoạt động trong ngành hàng hải với tổng trọng tải đội tàu chiếm khoảng 26% tổng trọng tải đội tàu quốc gia (khoảng gần 2 triệu tấn trọng tải). Sản lượng vận tải của đội tàu cũng chiếm gần 20% tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam. Vinalines đang quản lý hơn 13.000 m cầu bến, chiếm khoảng 20% tổng chiều dài cầu cảng của cả nước. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 70 triệu tấn, chiếm gần 20% cả nước. Mặc dù vậy, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty vẫn chưa có nhiều khả quan, cho dù nền kinh tế đã trở lại chu kỳ tăng trưởng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán được công bố năm 2017, doanh thu thuần của Vinalines đạt 13.560 tỷ đồng, giảm 7,35% so với năm 2016. Tuy nhiên, tỷ trọng giá vốn hàng bán luôn duy trì ở mức cao đã không thể bù đắp được các khoản chi phí hoạt động trong kỳ. Điều này khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 537,25 tỷ đồng. Song, Vinalines lại có sự lội ngược dòng ngoạn mục tương tự như năm 2016 và lãi ròng sau thuế hợp nhất 748,33 tỷ đồng nhờ khoản lãi từ thu nhập khác lên tới 1.506 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất không được công bố, song theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, lợi nhuận từ thu nhập khác này nhiều khả năng là do Vinalines tiến hành nhập dự phòng do Tổng công ty áp dụng hướng dẫn về xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC. Theo đó, Vinalines không trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính tại ngày xác định giá trị doanh nghiệp là 31/12/2016 và các khoản dự phòng đã trích lập trước đó sau khi sử dụng để bù đắp tổn thất theo quy định được hoàn nhập vào báo cáo kết quả kinh doanh riêng trong năm. Đây sẽ là điểm nhấn đáng chú ý với những nhà đầu tư có kế hoạch tham gia đấu giá cổ phiếu Vinalines trong thời gian sắp tới.
Tại thời điểm 31/12/2017, Vinalines có tổng tài sản 28.137 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 20.169 tỷ đồng, chiếm 71,68%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2017 của Tổng công ty là âm 3.253 tỷ đồng.