Vinachem, lỗ nặng vì đâu?

(BĐT) - Mới đây, kết luận cuộc họp từ ngày 13 đến 16/9 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra quyết định thi hành kỷ luật cách chức và cảnh cáo 4 lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) do có những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước. 
Vinachem, lỗ nặng vì đâu?

Doanh nghiệp này đầu tư tràn lan nhưng các dự án lại không mang lại hiệu quả. 

Đầu tư tràn lan

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2017, Công ty mẹ Vinachem đã đầu tư ra ngoài hơn 12.720 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty mẹ Vinachem chỉ là hơn 11.659 tỷ đồng. Theo quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010 của Bộ Tài chính, tổng mức đầu tư ra ngoài công ty (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty (bao gồm công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty thành viên hạch toán độc lập).

Với số tiền này, Công ty mẹ Vinachem đã đầu tư vào 39 công ty con, công ty liên doanh liên kết và các đơn vị khác. Trong số đó, các khoản đầu tư thua lỗ tiêu biểu của Vinachem là Dự án Đạm Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, nhưng thua lỗ tới 2.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2016. Bộ Công Thương đánh giá, tình hình tài chính gặp khó khăn do chi phí đầu tư dự án này quá cao, phải trả nợ vay ngân hàng, lại thêm các khoản thua lỗ nên sản xuất kinh doanh của nhà máy kém hiệu quả.

Một dự án tai tiếng khác của Vinachem là Dự án Mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, từng là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam. Tính đến cuối quý II/2017, lỗ lũy kế của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lên tới 2.035 tỷ đồng. Theo giải trình từ ban điều hành Đạm Hà Bắc, kết quả kinh doanh thua lỗ của Công ty trong những năm qua và dự kiến năm 2017 có nguyên nhân chính là do giá đầu vào tăng mạnh, trong khi giá bán lại giảm theo giá Urê trên thế giới.

Một trong những dự án thua lỗ nặng nhất của Vinachem là Dự án DAP Lào Cai với khoản lỗ năm 2015 trên 154 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ trên 281 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinachem cũng đầu tư gián tiếp vào các lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản, du lịch, chế biến hải sản thông qua các công ty con như Công ty Bất động sản Xavinco, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Thịnh Phát, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Đông Hà…

Thua lỗ

Căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017, tổng số nợ phải trả của Vinachem đã tăng thêm hơn 666,3 tỷ đồng, lên mức 38.130 tỷ đồng. Số nợ ngắn hạn cũng tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng, lên 18.243 tỷ đồng.
Đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh của Vinachem lại không cao và ngày càng giảm sút. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn 2013 - 2015 liên tục giảm sút và đến năm 2016 bắt đầu thua lỗ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 2.086 tỷ đồng, năm 2014 con số này còn 1.956 tỷ đồng (giảm 6,2% so với năm 2013) và năm 2015 tiếp tục giảm thêm 25%, xuống còn 1.467 tỷ đồng.

Năm 2016, Vinachem lỗ hơn 895 tỷ đồng và nửa đầu năm 2017, kết quả kinh doanh đã khởi sắc hơn khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 lỗ 203 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vinachem là âm 192 tỷ đồng.

Căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017, tổng số nợ phải trả của Vinachem đã tăng thêm hơn 666,3 tỷ đồng, lên mức 38.130 tỷ đồng. Số nợ ngắn hạn cũng tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng, lên 18.243 tỷ đồng. Số nợ dài hạn của tập đoàn này cũng được ghi nhận ở mức 18.229 tỷ đồng. Trong các tháng đầu năm, Tập đoàn Hóa chất đã phải chi khoảng 44,7 tỷ đồng trả nợ gốc và hơn 619 tỷ đồng trả lãi vay của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Chuyên đề