Năm 2016, Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ 1.132 tỷ đồng. Ảnh: Minh Yến |
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, tìm nguồn nào để trả nợ đang là câu hỏi được đặt ra.
BIDV và những hợp đồng cho vay lại
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty mẹ Vinachem, Công ty đã vay lại 250 triệu USD theo Hợp đồng cho vay số 17/ĐLUT/HĐ ngày 30/9/2008 từ BIDV - Sở Giao dịch III. Lãi suất cho vay là 4%/năm và được cố định trong suốt thời gian vay. Thời hạn cho vay 15 năm kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên. Trong đó có 5 năm ân hạn kể từ khoản giải ngân đầu tiên theo khế ước nhận nợ. Tài sản bảo đảm tiền vay là tài sản hình thành từ nguồn vốn vay. Tính đến thời điểm 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD (đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD). Nguồn vốn trên được đầu tư vào Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Ngoài khoản cho vay lại nêu trên, một đơn vị khác thuộc BIDV là BIDV Chi nhánh Ba Đình còn cho Vinachem vay hơn 14 triệu USD theo Hợp đồng tín dụng số 01/2016/630232 ngày 18/3/2016 để đầu tư Dự án Khai thác và Chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, Lào.
Công văn số 8601/BTC-QLN của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy tình hình tài chính không mấy sáng sủa của Đạm Ninh Bình và điều này ảnh hưởng đến việc trả nợ cho các chủ nợ, trong đó có China Eximbank. Theo Vinachem, trong 5 năm tới, dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình là hạn chế khi lỗ lũy kế lớn. Riêng năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ tới 1.132 tỷ đồng.
Đề xuất bán vốn tạo nguồn trả nợ
Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép: Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ. Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là BIDV nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu Chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV ngay khi có nguồn tài chính.
Tuy nhiên Bộ Tài chính đã thể hiện quan điểm rõ ràng: Vinachem là chủ đầu tư và là người vay lại khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank để đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình. Do đó, Vinachem có trách nhiệm thu xếp vốn (từ nguồn thu của Dự án và tất cả các nguồn thu hợp pháp khác của Vinachem) để thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ nợ phát sinh của khoản vay.
Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý có việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Vinachem đang sở hữu để có nguồn trả nợ. Hiện tại, hàng năm Vinachem vẫn có nguồn thu lợi nhuận từ các công ty cổ phần. Do đó, Vinachem vẫn còn khả năng cân đối nguồn thu để trả nợ.
Mặt khác, theo báo cáo tài chính của Vinachem năm 2016, tính đến 31/12/2016, Tập đoàn đang góp vốn đầu tư vào 39 công ty con, công ty liên doanh liên kết nhưng không có dự kiến dòng tiền từ năm 2018 đến năm 2021 về nguồn thu từ thoái vốn tại các công ty này. Trường hợp Vinachem thực hiện thoái vốn thành công thì sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho trả nợ.
Vẫn theo Bộ Tài chính, việc xem xét, xử lý đối với đề xuất của Vinachem liên quan đến nghĩa vụ trả nợ khoản vay China Eximbank cần phải gắn với tổng thể các biện pháp xử lý khó khăn cho Dự án Đạm Ninh Bình cũng như tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của Vinachem. Bộ Tài chính yêu cầu Vinachem báo cáo đầy đủ về lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho Dự án.