Vinachem lỗ vì hoạt động kinh doanh xuống dốc của các doanh nghiệp phân đạm. Ảnh: MT (Sưu tầm) |
Là tập đoàn có uy tín, lợi nhuận hàng năm ở mức hàng nghìn tỷ đồng, kết quả thua lỗ của Vinachem không khỏi khiến người ta ngạc nhiên. Cùng kỳ 2015, Vinachem vẫn lãi sau thuế tới 998 tỷ đồng.
Từ lãi thành lỗ
Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vinachem đã trình bày một số khó khăn mà tập đoàn này vướng phải, chủ yếu là do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với sản phẩm phân bón, săm lốp ô tô vẫn ở mức thấp, giá bán giảm so với cùng kỳ 2015.
Về mảng phân bón, Vinachem cho biết Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, cùng với chính sách ưu đãi thuế quan khu vực ASEAN và giá phân bón thế giới giảm mạnh đã tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc.
Với riêng Vinachem, việc sản xuất phân đạm Ure và phân DAP ngày càng gặp khó khăn khi các dự án đều mới hoàn thành đầu tư, chi phí khấu hao và lãi vay đều rất lớn. Công nghệ hóa than mà Vinachem sử dụng khiến giá thành cao hơn với công nghệ sản xuất phân đạm từ khí (giá khí giảm mạnh từ năm 2015 và đang duy trì ở mức thấp).
Trong khi giá khí thấp (ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu giảm), thì giá cao su, cũng vì ảnh hưởng giá dầu, cũng có xu hướng giảm mạnh. Với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp trực thuộc Vinachem, đây lại là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thị trường cho sản phẩm này lại không thuận lợi khi nhu cầu giảm, tiêu thụ khó khăn.
Kêu khó với phân đạm và săm lốp, trên thực tế, các khoản lỗ của Vinachem đều đến từ các doanh nghiệp phân đạm. Bốn công ty thành viên của Vinachem là Đạm Ninh Bình, DAP số 2 - Vinachem (DAP Lào Cai), DAP - Vinachem (DAP Đình Vũ) và Đạm Hà Bắc chính thức thua lỗ trong nửa đầu năm 2016. Cụ thể, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỷ đồng, DAP Lào Cai lỗ 281 tỷ đồng, DAP Đình Vũ lỗ 212 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc chưa có con số chính thức, nhưng đặt mục tiêu lỗ 488 tỷ đồng cả năm 2016.
Năm 2016, với tình hình khó khăn như đã báo cáo, Vinachem dự kiến lỗ 806 tỷ đồng. Như vậy, nửa cuối năm nay, tình trạng thua lỗ của Tập đoàn vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, dù thua lỗ, nộp ngân sách kế hoạch của Vinachem vẫn ở mức 1.991 tỷ đồng.
Siêu dự án hơn 10.000 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2015, Vinachem có số dư vay nợ ngắn và dài hạn trên 30.000 tỷ đồng, bao gồm nợ vay của các công ty con. Bốn công ty thua lỗ nói trên “đóng góp” 13.223 tỷ đồng nợ vay cho báo cáo hợp nhất của Vinachem. Trong năm 2015, chi phí tài chính của Vinachem lên tới 2.451 tỷ đồng, trong đó 1.667 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Nửa đầu năm 2015, Vinachem đã rót 936 tỷ đồng vào Dự án và hiện đang triển khai một số gói thầu.
Với những khó khăn tại siêu dự án này, Vinachem đã đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc bảo lãnh chính phủ cho Dự án nhằm bảo đảm vốn giải ngân cho Dự án được triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, Tập đoàn cũng mong muốn được Thủ tướng và các bộ nghiên cứu, xem xét để có chính sách ở cấp nghị định ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, đặc biệt là ngành khai thác khoáng sản.
Với 2 nhà máy Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, Vinachem sẽ tập trung khai thác năng lực nhà máy cùng với tìm kiếm thị trường xuất khẩu, không thực hiện đầu tư thêm nhà máy hoặc mở rộng nâng công suất sản xuất đạm Ure trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một quyết định mang tính “cầm cự” của Vinachem khi 2 nhà máy này đã và đang mang lại các khoản lỗ trăm tỷ cho Tập đoàn.
Khó khăn về công nghệ hóa than, Vinachem tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế bán than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá bán hiện nay của TKV đang bán cho sản xuất phân bón. Có vẻ Tập đoàn này đang muốn chuyển gánh nặng giá sang TKV trong tình hình khó khăn hiện tại.