Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới

(BĐT) - Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức ngày 6/2, tại TP. Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngành tôm Việt Nam có thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày tôm giống.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày tôm giống.

Theo mục tiêu mà ngành tôm đặt ra, chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD, đạt khoảng 10% GDP cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, tại Hội nghị, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này để phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm trên thế giới.

Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Các cơ quan Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống...

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I/2017 trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.

Cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm Việt Nam. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm….

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản.  Đồng thời, bổ sung “tôm giống” vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá (theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi…

Chuyên đề