Bản tin thời sự sáng 14/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề nghị siết nguyên liệu đầu vào hàng xuất khẩu; TP.HCM lấy ý kiến người dân về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội) có thể thành tòa nhà cao 55 tầng; Đà Nẵng mời tư vấn định giá đất dự án liên quan Phan Văn Anh Vũ…

Bộ Công Thương đề nghị siết nguyên liệu đầu vào hàng xuất khẩu

Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp kiểm soát chặt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro với chính sách thương mại của Mỹ.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng

Theo văn bản gửi hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo các đơn vị đảm bảo nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, gồm chất lượng, xuất xứ và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được khuyến khích tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng hoạt động sang các thị trường tiềm năng.

Bộ này cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng lưu ý đến hội viên về tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng tránh gian lận thương mại..., bởi đây là vấn đề làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh vai trò đầu mối của hiệp hội trong hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu rủi ro từ phụ thuộc vào một thị trường cung cấp duy nhất. Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan quản lý để cập nhật kịp thời thay đổi về chính sách thương mại.

Theo Bộ Công Thương, thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, đặc biệt việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan với nhiều quốc gia, gồm Việt Nam. Ngày 9/4, ông Trump viết thông báo hoãn thuế đối ứng với các nước "không trả đũa", trong đó có Việt Nam. Mức thuế đối ứng hiện áp dụng là 10%, trừ Trung Quốc.

Do đó, việc kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào được xem là giải pháp chủ động ứng phó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I đạt hơn 202,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,6% và nhập khẩu tăng 17%.

Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt gần 91 tỷ USD, chiếm 88,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm xấp xỉ 94% kim ngạch nhập khẩu, đạt hơn 93,5 tỷ USD.

TP.HCM lấy ý kiến người dân về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Chính quyền thành phố lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập TP.HCM mới, mở rộng không gian phát triển ba địa phương.

Trung tâm TP.HCM

Trung tâm TP.HCM

Sáng 13/4, nhiều phường ở TP. Thủ Đức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Người dân được hỏi "đồng ý" hay "không đồng ý" về nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập TP.HCM mới. Người có ý kiến khác ghi vào phiếu.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, lấy ý kiến cử tri sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tại địa bàn sẽ triển khai theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 12 - 13/4.

Sau khi lấy ý kiến, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả cử tri trên địa bàn, cấp ủy cùng cấp thống nhất (đối với xã, phường không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (xã, phường tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ). Thời gian thực hiện trong ngày 14/4.

TP.HCM rộng hơn 2.095 km2, gần 10 triệu dân, là đô thị xếp loại đặc biệt, gồm TP Thủ Đức, 21 quận, huyện, có 273 phường, xã, thị trấn. Bình Dương rộng hơn 2.694 km2, hơn 2,4 triệu người, gồm 5 thành phố và 4 huyện với 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã. Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, hơn 1,3 triệu người, với 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn thuộc 3 thành phố và 4 huyện. Đây là ba địa phương phát triển kinh tế, xã hội cao ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

TP.HCM mới sau sắp xếp rộng hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979 % so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm hành chính - chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn (Quận 1, TP HCM), cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP. Thủ Dầu Một và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP. Bà Rịa.

Khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội) có thể thành tòa nhà cao 55 tầng

Theo đề xuất, tại khu tập thể Nghĩa Tân, 29 công trình chung cư sẽ được xây dựng lại với một công trình nhà ở tối đa 40 tầng, một công trình hỗn hợp có chiều cao tối đa 55 tầng nổi.

Khu tập thể Nghĩa Tân

Khu tập thể Nghĩa Tân

UBND quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) vừa tổ chức hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500.

Theo thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân tỷ lệ 1/500, khu tập thể Nghĩa Tân - Quận Cầu Giấy là một trong những khu chung cư cũ của Hà Nội được xây dựng từ lâu. Nhiều vị trí của khu tập thể đã xuống cấp, ảnh hưởng tới môi trường sống, mỹ quan đô thị và gây quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực.

Theo đề xuất, khu vực cải tạo, xây dựng lại có diện tích 31,66ha với 29 công trình chung cư. Trong đó, khu nhà A gồm các nhà: A8, A9, A10, A11, A12, A14, A15, A16; khu nhà B gồm 12 nhà từ nhà B1 đến B12; nhà C gồm các nhà từ C1 đến C9 và K1.

Dân số hiện trạng trong phạm vi nghiên cứu khoảng 13.072 người, 3.503 hộ. Quy hoạch dự kiến xây dựng tòa nhà với đất ở đô thị có mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa 40 tầng nổi. Đối với đất hỗn hợp, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 55 tầng nổi.

UBND quận Đống Đa cũng đang lấy ý kiến nhân dân vào Đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự và phụ cận tỷ lệ 1/500, thuộc địa giới hành chính phường Phương Liên và Trung Tự.

Khu vực nghiên cứu rộng hơn 13ha. Theo đồ án, khu tập thể Trung Tự có 30 tòa chung cư cũ 5 tầng với 8.325 người, tổng số 1.795 căn hộ, diện tích sàn hiện trạng hơn 100.000 m2.

Đơn vị lập đồ án đưa ra phương án xây dựng lại 30 tòa chung cư cũ thành 2 tòa nhà cao tầng (một tòa nhà 45 tầng, một tòa nhà 25 tầng) và tổ chức tái định cư tại chỗ cho toàn bộ 8.300 cư dân.

453 nhà hư hỏng, thiệt hại kinh tế hơn 14 tỷ đồng do thiên tai trong quý I/2025

Thông tin Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong quý I/2025, trên cả nước có 453 nhà bị hư hỏng, thiệt hại kinh tế do thiên tai hơn 14 tỷ đồng.

Thiên tai khiến 453 nhà hư hỏng, thiệt hại kinh tế hơn 14 tỷ đồng trong quý 1/2025. Ảnh minh họa.

Thiên tai khiến 453 nhà hư hỏng, thiệt hại kinh tế hơn 14 tỷ đồng trong quý 1/2025. Ảnh minh họa.

Chiều 13/4, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025, thiên tai đã làm 5 người chết, mất tích; 6 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 14,2 tỷ đồng.

Trong tổng số thiệt hại về kinh tế nêu trên, có tới 453 nhà bị hư hỏng; 6.868 ha lúa, hoa màu; 1.708 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, ngập úng, thiệt hại.

Riêng trong tháng 3, có 1 người bị thương; 382 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2 công trình nhà văn hóa bị ảnh hưởng; 127,7 ha cây ăn quả bị thiệt hại.

Về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong quý I/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp thu, giải trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, ngày 26/3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố về thực hiện nghiêm các quy định trong Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 495/KL-TTCP ngày 9/12/2024…

Đà Nẵng mời tư vấn định giá đất dự án liên quan Phan Văn Anh Vũ

Thành phố Đà Nẵng mời gọi tư vấn xác định giá đất Dự án Khu nhà ở Phú Gia để làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng từ thương mại dịch vụ sang đất ở.

Dự án Phú Gia Compound (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng)

Dự án Phú Gia Compound (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng)

Ngày 13/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng chính thức thông báo mời gọi các đơn vị tư vấn tham gia xác định giá đất Dự án Khu nhà ở Phú Gia (Phú Gia Compound), phường Tam Thuận, quận Thanh Khê. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở.

Gói thầu tư vấn có giá trị 137.153.098 đồng (đã bao gồm VAT và các chi phí liên quan), với thời gian thực hiện là 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Các đơn vị quan tâm có thể nộp hồ sơ năng lực và công văn đăng ký tham gia trong vòng 7 ngày, kể từ ngày thông báo phát hành (10/4).

Dự án Phú Gia Compound là 1 trong 9 dự án và 31 nhà công sản liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") được Cơ quan An ninh điều tra cùng UBND TP. Đà Nẵng phối hợp điều tra xác minh, làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện mua bán nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP. Đà Nẵng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Aeon Mall Việt Nam lãi bình quân hơn 2,1 tỷ đồng mỗi ngày

Năm 2024, lợi nhuận của Aeon Mall tại Việt Nam tăng 8,6% lên 4,23 tỷ yên, tương đương 3.176 tỷ đồng, tức là bình quân hơn 2,1 tỷ đồng mỗi ngày.

Trung tâm thương mại thứ 7 tại Việt Nam của Aeon Mall được đưa vào vận hành tại Thừa Thiên Huế

Trung tâm thương mại thứ 7 tại Việt Nam của Aeon Mall được đưa vào vận hành tại Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo năm tài chính 2024 (1/3/2024 - 28/2/2025) của Aeon Mall, năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 17,3 tỷ yen tại thị trường Việt Nam, tương đương hơn 3.176 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 13% so với năm trước đó. Việt Nam cũng là thị trường đem lại doanh thu cao nhất cho Aeon Mall tại Đông Nam Á và thứ hai ở nước ngoài, chỉ sau Trung Quốc.

Sau khi trừ các chi phí, Aeon Mall ghi nhận lợi nhuận tăng 8,6%, lên mức 4,23 tỷ yen. Con số này tương đương gần 776,7 tỷ đồng, tương ứng công ty lãi bình quân hơn 2,1 tỷ đồng mỗi ngày tại thị trường Việt Nam.

Mức này chỉ kém lợi nhuận của Aeon Mall ở thị trường Trung Quốc, khoảng 10,7%, dù doanh thu tại đây cao gấp gần 4 lần Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, thị trường Việt Nam đang đem lại biên lãi tốt hơn cho ông lớn Nhật Bản.

Đến đầu năm nay, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản có 8 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng diện tích sàn cho thuê 462.000 m2. CEO Furusawa Yasuyuki của Aeon Việt Nam từng cho biết tập đoàn này đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam sau hơn 10 năm.

Gần đây nhất - hồi giữa tháng 2, Aeon khởi công trung tâm thương mại tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Đơn vị này đặt mục tiêu khai trương tổ hợp trong nửa cuối năm sau.

Đến tháng 3, Aeon Việt Nam cũng nhận chuyển nhượng dự án trung tâm thương mại vốn 1.170 tỷ đồng ở Hải Dương từ Công ty Tuấn Kiệt HD. Vị trí trung tâm thương mại này vẫn được đặt tại các xã Liên Hồng và phường Thạch Khôi, TP. Hải Dương với diện tích hơn 3.500 m2. Khu mua sắm của Aeon dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý III/2026.

Tập đoàn này có thể khởi công trung tâm thương mại tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ vào dịp lễ 30/4. Dự án có vốn đầu tư 230 triệu USD, với tổng diện tích sàn khoảng 195.000 m2.

Khởi tố cựu giám đốc Rance Pharma, Hacofood liên quan vụ án hơn 500 loại sữa giả

Cơ quan điều tra, Bộ Công an vừa khởi tố 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất hơn 500 loại sữa giả.

Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả

Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP. Hà Nội và các tinh, thành phố trên toàn quốc.

Lực lượng chức năng đã ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với: Hoàng Mạnh Hà (SN 1979, Giám đốc Rance Pharma từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2024, cổ đông góp vốn công ty Hacofood); Vũ Mạnh Cường (SN 1979, Giám đốc Hacofood từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024); Đặng Trung Kiên (Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) về tội về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".

Ngoài ra, 5 bị can khác bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Bước đầu cơ quan công an xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các bị can đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội), để kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (sữa bột).

Các sản phẩm công bố nhiều thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Nhưng trên thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu, chất phụ gia thay thế.

Cơ quan điều tra xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng này đã sản xuất 573 loại sữa bột với các nhãn hiệu khác nhau, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra còn xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề