Tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực, nhiều nhà đầu tư lớn đã có những kế hoạch phát triển đầy tham vọng. Ảnh: Vũ Long |
Cứ điểm sản xuất lớn trên thế giới
Có rất nhiều điều để nói xung quanh con số tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 9,2% so với năm 2020, đạt 31,15 tỷ USD.
Singapore là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021. Đáng chú ý, số vốn đăng ký vào Việt Nam năm 2021 của nhà đầu tư Singapore cao hơn các năm trước, với trên 10,7 tỷ USD, tăng hơn 1,2 tỷ USD so với năm 2020.
Không riêng Singapore, trong thời gian khó khăn vừa qua, các nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ... vẫn đặt niềm tin rất lớn, cam kết tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Lãnh đạo của Tập đoàn Nike khẳng định không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam. Doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Tập đoàn Nike, ủng hộ việc thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam và cam kết giúp Việt Nam vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.
Tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực, nhiều nhà đầu tư lớn đã có những kế hoạch phát triển đầy tham vọng, xây dựng nhà máy tại Việt Nam thành các cứ điểm sản xuất lớn của họ trên thế giới.
Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ, từ sự tự tin tích lũy được sau khi khắc phục những khó khăn do Covid-19 cùng sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, Samsung đang liên tục mở rộng đầu tư. Trong thời gian tới, sẽ nâng cao vị thế tại Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược của Tập đoàn thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Tập đoàn Nestle Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và phát triển các nhà máy tại Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm thực phẩm dạng lỏng cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Úc. Tầm nhìn của Nestle là xây dựng Nhà máy Nescafe Trị An đặt tại Đồng Nai thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển như Nhật, các quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu.
Chủ động đón đại bàng
Để có được kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực trong khó khăn như năm 2021, cũng như có được những cam kết đầu tư lâu dài, bền vững, những kế hoạch đầu tư tỷ đô vào Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều hành động để “chủ động” trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ trong năm qua đều gắn với xúc tiến đầu tư, để lại hiệu ứng rất tốt.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 24/9/2021 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhiều hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá hàng tỷ USD của doanh nghiệp hai nước đã được ký kết.
Kết quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), thăm làm việc tại Anh, Pháp đầu tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam là gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD. Các cam kết tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng, chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.
Còn theo Bộ KH&ĐT, ngay trong dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được Bộ KH&ĐT duy trì dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo quảng bá môi trường đầu tư, Bộ có các cuộc họp riêng với các đối tác lớn để lắng nghe, cung cấp đủ thông tin nhà đầu tư quan tâm. Quan điểm của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng là dù Việt Nam có lợi thế, nhưng các nước trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ cũng vào cuộc cạnh tranh quyết liệt, vì thế phải tích cực, chủ động hành động, đừng nghĩ “nhà có điều kiện” thì nhà đầu tư sẽ tự vào, mà phải đeo bám từng lĩnh vực, từng nhà đầu tư, tháo gỡ từng vướng mắc…
Song song với đó, Việt Nam đã, đang tập trung chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đón đầu, đáp ứng được yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sử dụng công nghệ cao. Ban hành ưu đãi đầu tư đặc biệt, vượt trội để thu hút các dự án lớn, có chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia. Thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đàm phán, hỗ trợ cho các dự án lớn. Tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, sẵn sàng tham gia chuỗi sản xuất.
Niềm tin bứt phá
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng, dự kiến ĐTNN sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Việt Nam dự kiến sẽ thu hút được các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc; tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất, công nghiệp hỗ trợ; là điểm đến quan trọng của nhiều doanh nghiệp Đài Loan với vốn cam kết hàng năm chiếm đến 1/3 tổng vốn đầu tư mà các nhà đầu tư từ vùng lãnh thổ này cam kết vào khu vực ASEAN. Ngoài ra, công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng là những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI của khu vực châu Âu. Gần 90% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát không có ý định giảm đầu tư, thậm chí khoảng một nửa số doanh nghiệp còn dự định mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Foxconn, Exxon Mobil đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và Việt Nam có cơ hội thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI.
Việt Nam đã chủ động định hình chiến lược tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số… Với những dự án lớn, đi vào lĩnh vực ưu tiên, dòng vốn ĐTNN sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.