Việt Nam còn tiềm năng để tiếp tục cải cách

(BĐT) - TS. Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có tiềm năng để tiếp tục cái cải cách từ nhiều khía cạnh để từ đó tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng vốn đầu tư tốt cho nền kinh tế.
Xuất khẩu nổi lên là điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu nổi lên là điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Tiên

Đến thời điểm này, theo ông, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 có những điểm nào đáng chú ý?

Điểm nổi bật trước hết là đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao trong năm 2019. WB dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,8% năm nay và đạt khoảng 6,5% vào năm sau. Mức tăng trưởng tốt như vậy một phần nhờ nhu cầu trong nước ngày càng cao. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa vẫn tốt, các yếu tố vĩ mô khác khả quan giúp gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài.

Trong bức tranh tổng thể đó của nền kinh tế, xuất khẩu nổi lên là điểm sáng, song vẫn không khỏi quan ngại. Kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay chậm hơn so với năm ngoái dù cam kết đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 30% là con số rất lớn, trong khi các thị trường khác chỉ tăng trưởng khoảng 2,5 - 3%. Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã tận dụng khá tốt từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, về lâu dài, đây cũng là điểm mà Việt Nam cần xem xét, bởi việc phụ thuộc vào một thị trường sẽ có thể gây ra rủi ro. Một điều đáng lưu tâm khác là dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng vẫn chưa tận dụng được tốt để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chú ý là dù ở giai đoạn nào, Việt Nam cũng phải tính đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Việt Nam còn tiềm năng để tiếp tục cải cách ảnh 1
TS. Ousmane Dione
Về hoạt động đầu tư trong nền kinh tế và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, theo ông, có điểm gì cần quan tâm?

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, điều không thể không quan tâm là đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam có khoảng 600 viện nghiên cứu hoặc các tổ chức dạng nghiên cứu như vậy, song vẫn còn hoạt động manh mún và chưa tạo nên cú huých đáng kể cho nền kinh tế. Vì vậy, cần có sự thay đổi từ góc độ này.

Về hoạt động của doanh nghiệp, đến nay, Việt Nam dường như vẫn chỉ là nhà máy sản xuất sản phẩm đơn giản cho thế giới. Đi đâu cũng thấy hàng may mặc của Việt Nam nhưng không hẳn đó là hàng chất lượng cao.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, dòng vốn này có xu hướng giảm đầu tư vào các dự án mới và dần chuyển sang hình thức mua bán và sáp nhập, nhiều công ty nước ngoài muốn mua lại những công ty của Việt Nam. Đây có thể là một xu hướng tốt bởi họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, cần có chính sách phù hợp để điều tiết dòng vốn này theo hướng khuyến khích vốn đầu tư để phát triển những ngành có lợi cho phát triển kinh tế và đất nước. 

Những năm gần đây, cải cách là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

Đúng là nhiều người nói đến cải cách. Tuy nhiên, điều đáng lo là tốc độ cải cách của Việt Nam có vẻ vẫn chậm. Việt Nam vẫn còn tiềm năng để tiếp tục cải cách từ nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đất đai - một vấn đề nhạy cảm và dễ gây tranh cãi - Việt Nam đã và có thể còn tiếp tục làm được nhiều điều như cải cách về định giá, về quyền sử dụng đất, thuế đất, thuế bất động sản… Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, nếu được cải cách một cách rõ ràng, rành mạch, tuân thủ trình tự và quy định của pháp luật thì có thể mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó có thể tăng năng lực cạnh tranh và thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, để quá trình cải cách được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả hơn, Việt Nam cần có những người tiên phong để tạo nên làn sóng cải cách thật sự mạnh mẽ. Cải cách luôn gặp thách thức và hoài nghi, nhưng nếu không bắt tay làm với quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa thì khó có thể kỳ vọng sự đổi thay đáng kể trong thời gian tới.       

Chuyên đề

Kết nối đầu tư