Dư địa tăng trưởng của ngành dược phẩm Việt Nam vẫn còn rất lớn |
Theo báo cáo cập nhật ngành dược phẩm tháng 4/2020 của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc từ 80 - 90% vào nguồn nhập khẩu. Trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới hơn 80%.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy sản xuất API (nguyên liệu sản xuất dược phẩm) tại 2 quốc gia này phải ngừng hoạt động hoặc hạn chế xuất khẩu.
Nguồn cung bị gián đoạn và diễn biến của dịch Covid-19 có tác động ít nhiều tới triển vọng ngắn hạn của các doanh nghiệp dược đầu ngành như Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty CP Traphaco và Công ty CP Dược phẩm Imexpharm.
Trong đó, Dược Hậu Giang - doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dược Việt Nam, chiếm 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước - đặt kế hoạch năm 2020 không có đột biến.
Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang đã thông qua kế hoạch năm 2020 khá thận trọng, với doanh thu thuần hợp nhất là 3.866 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2019.
Danh mục các sản phẩm chính của công ty này bao gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh và vitamin. Triển vọng của Công ty bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 do có tới 80% nguyên liệu sản xuất thuốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ chiếm 13,8% giá trị sản xuất trong năm.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Công ty lại khởi sắc hơn nhiều so với dự báo của giới đầu tư. Cụ thể, trong quý đầu năm, doanh thu thuần đạt 858,5 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận ròng đạt 177 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng của Công ty tăng cao.
Đà tăng trưởng dài hạn của Dược Hậu Giang phụ thuộc vào đối tác chiến lược Taisho Pharmaceutical. Nhờ sự trợ giúp của tập đoàn đến từ Nhật Bản này, Công ty sẽ nâng cấp dây chuyền sản xuất viên sủi bọt đạt chuẩn PIC/sGMP và dây chuyền viên nén Non - Betalactam đạt tiêu chuẩn GMP Nhật Bản (PMDA). Bên cạnh đó, Công ty hợp tác với Taisho để sản xuất và phân phối 10 sản phẩm mới như thuốc dùng ngoài, thuốc xịt, tim mạch, tiểu đường...
Khác với Dược Hậu Giang, Imexpharm ít bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm hơn do nguồn nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 được dự báo sẽ làm chậm kế hoạch phát triển các nhà máy của Imexpharm.
Cụ thể, Nhà máy Non - Betalactam Bình Dương (IMP4) đã hoàn thành xây dựng và đạt chuẩn WHO-GMP, nhưng quá trình xét duyệt chuẩn EU-GMP dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2020, chậm khoảng 1 quý so với tiến độ dự kiến ban đầu do việc di chuyển của các chuyên gia và đối tác từ châu Âu sang Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo FPTS, kế hoạch sản xuất 20 sản phẩm Non - Betalactam tại Nhà máy IMP4 để đấu thầu vào nhóm 2 kênh bệnh viện (ETC) sẽ bị lùi từ đầu quý III/2020 sang đầu quý IV/2020.
Kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần của Imexpharm đạt gần 304 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 41,1 tỷ đồng, tăng 13,2%. Doanh nghiệp này cho biết, việc đẩy mạnh bán hàng vào kênh ETC góp phần tiết kiệm được chi phí bán hàng. Chi phí quản lý có tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát.
Về kế hoạch kinh doanh, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2019. Với kết quả quý I, Imexpharm đã hoàn thành 17,4% mục tiêu doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đối với Traphaco, do doanh nghiệp này chủ động được nguồn cung dược liệu tại Việt Nam nên không chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Song cũng như Imexpharm, dịch bệnh làm chậm tiến độ chuyển giao công nghệ các sản phẩm từ Daewoong Pharmaceutical cho doanh nghiệp do việc di chuyển của các chuyên gia từ Hàn Quốc tới Việt Nam bị hạn chế.
Do vậy, việc phân phối 7 sản phẩm mới theo công nghệ của Daewoong Pharmaceutical được Traphaco lùi sang đầu năm 2021. Năm 2020, Traphaco lên kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng (tăng 16,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2019).
Domesco nằm trong số những doanh nghiệp chịu nhiều tác động bởi sự gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu do dịch Covid-19. Trong quý I/2020, Domesco ghi nhận doanh thu thuần đạt 290 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 42,6 tỷ đồng, giảm 14,7% so với quý I/2019.
Năm 2020, ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu kế hoạch khá thận trọng với doanh thu thuần ở mức 1.468 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,6% và 1,1% so với thực hiện năm 2019.
Tương tự các doanh nghiệp đầu ngành khác, triển vọng dài hạn của Domesco phụ thuộc vào mối quan hệ hợp tác với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Abbott.
Đối với nguồn cung nguyên liệu, từ cuối tháng 2/2020, một số cơ sở sản xuất nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại, góp phần khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Dư địa tăng trưởng của ngành dược phẩm Việt Nam vẫn còn rất lớn. Một dự báo của hãng nghiên cứu thị trường BMI cho thấy, doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026 với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,6%/năm (giai đoạn 2012 - 2021).
Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 50 USD/người/năm vào năm 2020 với mức tăng trưởng 14%/năm.