Nhiều bên mời thầu và chủ đầu tư, thậm chí là của các cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương đã im lặng, lờ đi trước các kiến nghị của nhà thầu |
Động thái im lặng, lờ đi, hoặc kiến nghị một đằng, trả lời một nẻo của các bên mời thầu và chủ đầu tư, thậm chí là của các cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương khiến nhiều nhà thầu đặt ra nghi vấn.
Đầu năm 2018, Công ty TNHH Du lịch Việt Châu Á và Công ty TNHH Đông An (Liên danh Việt Châu Á - Đông An) đã có đơn kiến nghị gửi đến Báo Đấu thầu về việc làm rõ kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị cho Văn phòng Đăng ký đất đai do Trung tâm Dịch vụ tài chính Đồng Tháp là Bên mời thầu. Sau khi Báo Đấu thầu liên tục có bài phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã vào cuộc. Kết quả có 11 cá nhân bị kỷ luật bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 1 cá nhân bị kỷ luật với hình thức khiển trách, kỷ luật Đảng do chưa tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ trong đấu thầu.
Những phản ánh của Liên danh Việt Châu Á - Đông An là đúng, nhưng sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Tháp vẫn kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp giữ nguyên KQLCNT để hai bên (Bên A và Bên B) hoàn thành các các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Tại thời điểm đó hai bên đã thực hiện gần xong hợp đồng và thời gian hiệu lực của hợp đồng đã hết. Vậy nhưng, theo Liên danh Việt Châu Á - Đông An, từ đó đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa có một văn bản nào trả lời chính thức về sự việc này, khiến cho nhà thầu không hài lòng.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Tân (Nhatech), thành viên đứng đầu Liên doanh Nhatech - Phú lợi - Tân Nghệ Tin đã 2 lần gửi đơn kiến nghị đến Báo Đấu thầu không đồng tình về KQLCNT tại Gói thầu Mua sắm tập trung máy photocopy năm 2018 do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Long An tổ chức lựa chọn nhà thầu. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã có văn bản yêu cầu Sở KH&ĐT Long An phối hợp với Sở TT&TT Long An, Sở Tài chính Long An xem xét đề nghị của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Tân, giải quyết theo thẩm quyền, kết quả xử lý thông báo cho Nhà thầu Nhật Tân biết, đồng thời báo cáo UBND Tỉnh. Thế nhưng, đến nay sau hơn một tháng, Nhà thầu Nhật Tân vẫn chưa thấy hồi đáp nào từ các cơ quan chức năng tỉnh Long An. Trong khi đó, phía chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu đã tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng để triển khai gói thầu này sau khi có KQLCNT.
Thực tế cho thấy, việc kiến nghị, khiếu nại của các nhà thầu đa phần là chính đáng, xuất phát từ việc bị bên mời thầu hay chủ đầu tư thiên vị, o ép. Thế nhưng, trong cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng đó, không phải nhà thầu nào cũng nhận phần thắng về mình. Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nguyên Khôi cho biết, tình trạng bao che trong đấu thầu không phải là ít, nên trong hoạt động đấu thầu việc “muốn cho ai trúng thì trúng” không còn là chuyện xa lạ. Bởi vậy, có những nhà thầu kiện “đúng” nhưng không “trúng” nên vẫn thua, khiến cho niềm tin về sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu bị lung lay.
Ngoài ra, khi kiến nghị, do một số nhà thầu không nắm rõ quy trình giải quyết kiến nghị theo hướng dẫn tại Điều 92 của Luật Đấu thầu nên hay gửi đơn vượt cấp, bị chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như đơn vị tư vấn căn cứ vào đó bắt lỗi và không xem xét đơn kiến nghị. Việc dùng những tiểu xảo để loại các nhà thầu thông qua chiêu thức này, cộng thêm việc đưa vào HSMT những tiêu chí bất lợi cho những nhà thầu không cùng ê kíp là có. Nhưng không phải sự lên tiếng nào cũng có kết quả như mong đợi, bởi các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thừa “sạn” trong đầu để ứng phó những tình huống này khi phát sinh kiến nghị.
Giám đốc một công ty tư vấn cho rằng, để kiến nghị phát huy tốt hiệu quả, nhà thầu cần phải nắm rõ về luật, nhất là Luật Đấu thầu, nếu không sẽ bị bất lợi. Thế nhưng, một số nhà thầu lại cho hay, ngay cả khi kiến nghị đúng trình tự và trúng vấn đề, thì cũng chưa chắc được đối xử công bằng. Tình trạng địa phương “một mình một cõi” trong hoạt động đấu thầu không phải là hiếm, vì vậy có không ít kiến nghị vẫn bị “bặt vô âm tín”.