Vì sao nhà thầu Việt đông nhưng không mạnh?

(BĐT) - Nước ta đã có những công trình tầm cỡ ghi dấu ấn và khẳng định sự trưởng thành của nhà thầu Việt về mặt công nghệ, song trong bức tranh tổng thể thì công nghệ vẫn là một trong những điểm nghẽn có tính then chốt mà nhà thầu Việt buộc phải khơi thông để có thể vươn lên làm chủ thị trường xây dựng nước nhà
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Khi công nghệ là lợi thế

Ông Jorn Ortmann – chuyên gia của Tập đoàn GMP INTERNATIONAL GMBH (Đức) cho biết, ông có thời gian sống ở Việt Nam hơn 10 năm, từ khi tập đoàn của ông tham gia thầu thiết kế cho công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia, và mới đây là Nhà Quốc hội. Ông nhận thấy “lợi thế nổi trội của các nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam là chúng tôi có ưu thế về mặt công nghệ”. Thời gian qua, Việt Nam đã có sự đầu tư lớn cho các công trình hạ tầng và Việt Nam đã có rất nhiều công trình tầm cỡ quốc tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Những công trình lớn đó đòi hỏi việc thiết kế, quá trình thi công cần áp dụng những công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế mà nhà thầu Việt Nam chưa đáp ứng được. Ở đất nước chúng tôi, có những nhà thầu là tập đoàn làm chủ một công nghệ thi công nào đó và họ đã đem công nghệ này đi đấu thầu và thi công rất nhiều công trình lớn trên thế giới cần đến công nghệ này. Và khi thắng thầu một công trình ở Việt Nam, để tiết kiệm chi phí và thời gian, chúng tôi có thể ở tại Đức hoàn thành việc thiết kế công trình, sau đó đưa sang Việt Nam thi công.

Ông Lê Văn Khương – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho biết, doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được các công tác thiết kế cho thiết bị đơn giản, còn thiết kế các thiết bị chính và thiết kế tổng thể cho cả hệ thống nhà máy có giá trị gia tăng lớn nhất (phần E - Engineering – thiết kế của gói thầu EPC) nhà thầu trong nước vẫn chưa có khả năng đảm nhận được. Vì thế, nhà thầu cơ khí trong nước khó có thể thực hiện một cách độc lập các gói thầu EPC. Trên thực tế hiện nay, các dự án xây dựng nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp như nhà máy nhiệt điện, dầu khí, hóa chất... thì các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC là chủ yếu.

Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn đầu tư cho những dự án tăng cường năng lực chế tạo cơ khí, hỗ trợ lần đầu kinh phí cho công tác thiết kế và chuyển giao công nghệ dự án EPC do nhà thầu trong nước đảm nhận. Nhà nước đã mạnh dạn giao cho nhà thầu trong nước đảm nhận tổng thầu EPC một số nhà máy nhiệt điện 600 MW/1 tổ máy như Uông Bí, Vũng Áng 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1…, nhưng nhà thầu trong nước vẫn chưa làm chủ được phần thiết kế nên vẫn phụ thuộc vào tư vấn thiết kế nước ngoài.

Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng cho biết, do có lợi thế về mặt công nghệ nên khi đến Việt Nam nhà thầu nước ngoài chỉ mang theo công nghệ và rất ít nhân sự quản lý, họ là nhà thầu quản lý, còn nhà thầu Việt Nam vẫn chỉ là nhà thầu thi công.

Liên danh, liên kết để từng bước làm chủ

Theo ông Lê Văn Khương, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì con đường liên danh, liên kết với các nhà thầu ngoại để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm là điều hết sức cần thiết. Trên thực tế, doanh nghiệp của ông đã liên kết với các nhà thầu nước ngoài trong các liên danh đấu thầu và thực hiện dự án trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết  bị.

Nhờ đó, các sản phẩm của doanh nghiệp COMA như quạt công nghiệp, lò hơi, lọc bụi tĩnh điện, máy biến áp, hệ thống đường ống khí, đường ống gia nhiệt lò hơi lắp đặt trong các nhà máy nhiệt điện đã xuất khẩu được sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Đài Loan… Bên cạnh đó, nhờ liên kết với nhà thầu nước ngoài, COMA cũng đã đấu thầu và thực hiện thành công các dự án EPC cho các công trình: Cung thi đấu điền kinh trong nhà Indoor Games, Dự án Cung trí thức TP. Hà Nội, Gói thầu EPC số 7 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Thủy điện Đăksin 1…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng rất nhiều công trình cầu đường, tòa nhà lớn, nhà máy công nghiệp, nhiệt điện, dầu khí… có công nghệ phức tạp. Chúng ta cũng đã có một quá trình làm việc, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ các nhà thầu ngoại nên bây giờ làm các công trình có công nghệ tương tự cũng không phải là điều gì quá khó khăn.

Cái gì mới, cái gì chưa có, chưa từng làm thì khó nhưng đã có, đã làm quen rồi thì sẽ trở thành dễ. Và sản phẩm cuối cùng là chất lượng công trình, nhà thầu Việt Nam cần tự tin làm tốt sản phẩm của mình để cải thiện hình ảnh, năng lực cạnh trạnh. Nhà thầu chúng ta nếu làm được điều này thì không việc gì phải lo ngại về các nhà thầu ngoại.

Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên, bản năng sinh tồn sẽ dạy cho đứa trẻ cách để thích nghi với môi trường sống hiện tại. Khi mà cánh cửa hội nhập đang ngày càng mở rộng ra – một sân chơi bình đẳng rộng lớn về thuế quan, về chất lượng, về giá, về hệ thống văn bản pháp luật… đối với tất cả nhà thầu của các quốc gia thành viên, nếu nhà thầu Việt biết cách tận dụng những lợi thế của mình, biết cách tập hợp sức mạnh từ liên danh, liên kết với nhau và với nhà thầu nước ngoài cũng như học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các nhà thầu ngoại trong quá trình thi công những công trình lớn thì chắc chắn sân chơi của nhà thầu Việt Nam sẽ không chỉ là thị trường xây dựng trong nước.

Chuyên đề