Vì sao giải ngân vốn vay nước ngoài vẫn ì ạch?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến nay, số vốn đầu tư công nguồn nước ngoài (vốn ODA, vốn vay ưu đãi) năm 2021 đã giải ngân của các bộ, ngành mới đạt 7,53% so với dự toán được giao. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do tác động của dịch Covid-19 còn có nguyên nhân chủ quan là những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đến hết ngày 10/6/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài mới đạt 1.253 tỷ đồng, tương ứng 7,53% dự toán được giao. Ảnh: Lê Tiên
Đến hết ngày 10/6/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài mới đạt 1.253 tỷ đồng, tương ứng 7,53% dự toán được giao. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 10/6/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành vẫn rất chậm, mới đạt 1.253 tỷ đồng, tương ứng 7,53% so với dự toán được giao. Có đến 8 bộ, ngành đến nay chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2021. 5 bộ, ngành có giải ngân nhưng tỷ lệ thấp, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 18,59%, Bộ Giao thông vận tải đạt 14,46%.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài nói riêng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ tài chính ngân sách cũng như quan hệ với các đối tác.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án, đồng thời khẩn trương nhập phân bổ vào hệ thống để kiểm soát chi; đề nghị các chủ dự án, ban quản lý dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành điều kiện thanh toán để gửi đơn rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo chế độ quy định. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài vẫn chậm.

Cũng theo ông Trần Xuân Hà, qua ý kiến phản ánh của đại diện các bộ, ngành cho thấy, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài còn rất thấp.

Về nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án; vật tư, hàng hóa, thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch Covid-19 cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ…

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là chủ quan. Theo đó, nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở...

Nhiều dự án có vướng mắc trong khâu đấu thầu, vướng mắc với tổng thầu, với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai. Dự án có khối lượng hoàn thành nhưng do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu nên chưa thể thực hiện các thủ tục rút vốn; hoặc hồ sơ nghiệm thu khối lượng chưa thống nhất, còn phải rà soát, chậm hoàn chứng từ về tài khoản…

Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần tích cực, quyết liệt triển khai các dự án, trong đó có việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán theo quy định, hoàn lại chứng từ hồ sơ với khoản tạm ứng để ghi thu ghi chi…

Các cơ quan chủ quản dự án tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các ban quản lý dự án trong triển khai, kể cả phê duyệt chủ trương, hồ sơ quyết định đầu tư, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi…

Ông Trần Xuân Hà cho rằng, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân vẫn là tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án… Về cơ chế, chính sách đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ phối hợp báo cáo Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho phù hợp.

Chuyên đề