Khó khăn kép làm chậm giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay từ đầu năm, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ đi đôi với bảo đảm chất lượng giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Sau gần nửa chặng đường năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân rất cao trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm khó khăn mới.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt 102.029,24 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt 102.029,24 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Đà tăng giá ghìm đà giải ngân

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt 102.029,24 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%). Tỷ lệ giải ngân có mức độ chênh lệch rất lớn giữa nhiều đơn vị. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 39/50 bộ, cơ quan trung ương và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%, đặc biệt vẫn còn 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, 8 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Tuy nhiên, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch, trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 40%, thậm chí có địa phương đã đạt trên 70% kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh các nguyên nhân cũ, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm còn do một số nguyên nhân khác. Đó là dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Đồng thời, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Trả lời Báo Đấu thầu, đại diện Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, với việc giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao trong thời gian qua, các gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định sẽ bị tác động trực tiếp và chịu nhiều ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn tới phát sinh tăng chi phí để thực hiện các công việc của hợp đồng và hệ lụy khác như chậm tiến độ thực hiện dự án, nhà thầu chịu phạt hoặc có thể phá sản.

Bên cạnh đó, theo một số ý kiến, sự chênh lệch về tỷ lệ giải ngân cũng cho thấy nguyên nhân chủ quan từ việc một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; năng lực quản lý, điều hành, thi công của nhiều ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế.

Bám sát dự án, gỡ khó kịp thời

Theo một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, yếu tố quan trọng để đẩy nhanh giải ngân vốn, tiến độ thực hiện dự án là người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt là sâu sát, đốc thúc thường xuyên, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, bám sát, rà soát liên tục tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án đầu tư công, điều chuyển kịp thời kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn; cảnh báo, xử lý nghiêm chủ đầu tư, nhà thầu chậm trễ.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song song với việc tiếp tục tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc về thủ tục, chính sách. Bộ KH&ĐT đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các dự án cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Các địa phương chủ động cập nhật, điều chỉnh và công bố đơn giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với diễn biến thị trường để bảo đảm tiến độ dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, từ năm 2021 trở về sau, vốn đầu tư công chỉ được giải ngân trong 1 năm, hiện đã gần nửa năm rồi, nếu vượt qua thời điểm quyết toán ngân sách, sẽ lỡ mất cơ hội giải ngân. Việc các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch không chỉ để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, mà còn tránh việc bị cắt vốn, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn của chính đơn vị mình.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn tinh thần quyết liệt trong năm 2020 sẽ được lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương kéo dài, quyết tâm cao trong thời gian tới. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị dự án để khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua có thể bắt tay vào thực hiện dự án ngay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Bộ KH&ĐT luôn luôn đồng hành với các bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư sản xuất, kinh doanh nói chung, đầu tư công nói riêng, là điểm tựa vững chắc để các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Chuyên đề