Cam kết ưu tiên nhiệm vụ giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc hơn trong những tháng gần đây, có 23 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 60% và 10 bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân trong năm nay. Để đẩy mạnh giải ngân trong những tháng còn lại của năm nay, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành một số giải pháp quyết liệt hơn.
Cam kết ưu tiên nhiệm vụ giải ngân đầu tư công

12 đơn vị đã giải ngân trên 70%

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán từ vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/9/2020 đạt 57,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Đáng chú ý, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2020 đạt trên 60%. Trong đó, 12 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (87,67%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (73,49%), Thông tấn xã Việt Nam (70,06%), tỉnh Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%). Tuy nhiên, vẫn còn 11 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết, phần lớn các bộ, ngành đều thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đấy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công của tháng 9 đã đạt hơn 4.315 tỷ đồng, tăng hơn 558,6 tỷ đồng so với tháng 8. Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán 2019 và phần vốn kéo dài, chuyển nguồn trị giá 2.671 tỷ đồng.

Từ phía các bộ, ngành, bà Phan Lê Thu Hằng , Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, trong tháng 9, Bộ Y tế đã đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 hơn 428,7 tỷ đồng, còn hơn 671,8 tỷ đồng. Tính đến 9/10/2020, Bộ Y tế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài hơn 381,1 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch vốn sau khi điều chỉnh giảm.

Theo ông Đinh Minh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tổng số vốn phân bổ theo kế hoạch cho Bộ GD&ĐT là 2.006 tỷ đồng, Bộ đã đề nghị trả lại khoảng 447 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân của Bộ GD&ĐT đến ngày 30/9/2020 đạt 39% so với kế hoạch vốn được giao, tăng 18% so với tháng 8/2020.

Xử lý dứt điểm vướng mắc

Dù đạt kết quả tích cực như vậy, song Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn tiếp tục thấp do chưa có khối lượng cho giải ngân. Nguyên nhân chính của tình trạng đó là dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, các yếu tố khó khăn khách quan khác làm chậm tiến độ giải ngân. Các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân.

Trong nhiều trường hợp, một số dự án mặc dù được bố trí dự toán nhưng chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay, hoặc đã ký hiệp định vay nhưng chưa được cấp ý kiến pháp lý, hoặc mới phê duyệt điều kiện cho vay lại, do đó không có cơ sở pháp lý để giải ngân...

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2020 dưới 60% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ.

Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị xác định rõ là cắt giảm dự án nào, không thể giải ngân dự án nào, dự án nào chỉ giải ngân được một phần… để bổ sung kế hoạch vốn cho năm 2021.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm, phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn theo quy định của hiệp định vay, các án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.

Bộ Tài chính cam kết tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vốn vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm và phối hợp với các cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán, ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của hiệp định vay, điều chỉnh hiệp định vay (nếu có), ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các công tác liên quan đến giải ngân...

Chuyên đề