Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, nếu một đơn vị giải ngân thấp, số chưa giải ngân của năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của đơn vị đó. Ảnh: Lê Tiên |
Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xung quanh câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Giải ngân đầu tư công được nhận định là một điểm sáng trong năm 2020 đầy khó khăn, thách thức. Thưa Thứ trưởng, động lực nào giúp đạt kết quả này?
Tính đến hết tháng 12/2020, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất giai đoạn 2016 - 2020. Đến 31/1/2021, thời điểm hết niên độ ngân sách năm, tỷ lệ giải ngân có thể tăng thêm 10% nữa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Để có được kết quả này, công tác chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công có thể nói chưa bao giờ quyết liệt như năm 2020. Năm nay, do tác động của dịch bệnh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng, giải ngân đầu tư công càng được chú trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng ở hai khía cạnh. Một là, lượng vốn giải ngân được càng nhiều thì đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng GDP. Hai là, tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công sẽ đóng góp gián tiếp cho tăng trưởng. Chính vì lẽ đó, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, liên tục tổ chức các hội nghị giao ban, thành lập đoàn công tác do lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành xuống từng địa phương, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những nút thắt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Bên cạnh đó, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 nên tiến độ cũng được đẩy nhanh hơn.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa được Quốc hội thông qua, vậy năm 2021 quy trình, thủ tục thực hiện các dự án mới như thế nào, thưa ông?
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau do Quốc hội khóa sau quyết định tại kỳ họp đầu tiên, năm đầu tiên của kế hoạch trung hạn, báo cáo Quốc hội ra nghị quyết riêng. Kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 dự kiến đến tháng 7/2021 mới được Quốc hội khóa XV thông qua. Đối với năm 2021, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về giao kế hoạch năm 2021.
Theo đó, các dự án chuyển tiếp từ kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 thì vẫn thực hiện bình thường. Nhưng các dự án khởi công mới sẽ có quy trình thủ tục khác.
Có 2 loại dự án mới. Loại 1 là dự án chưa được làm nhưng đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Loại dự án này sẽ được làm nhưng điều kiện kèm theo là phải được phê duyệt quyết định đầu tư dự án trước ngày 31/12/2020, còn không thì vẫn chưa thể triển khai.
Loại 2 là dự án mới hoàn toàn, chưa có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, thì phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Việc của các bộ, ngành, địa phương lúc này là làm thủ tục đầu tư, đến ngày 31/5/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Bộ KH&ĐT tổng hợp, trình Chính phủ trong tháng 6/2021, tháng 7/2021 sẽ trình Quốc hội.
Bộ KH&ĐT tham mưu cho các đơn vị chuẩn bị đầu tư tốt, để khi được Quốc hội thông qua có thể bắt tay vào thực hiện ngay.
Theo ông, năm 2021 có thể duy trì được đà giải ngân của năm 2020 không?
Luật Đầu tư công năm 2019 tháo gỡ được nhiều vướng mắc, rào cản gây chậm trễ giải ngân đầu tư công thời gian qua. Năm 2021, một số quy định mới của Luật được áp dụng buộc các địa phương, bộ, ngành phải giải ngân tốt hơn, nếu không muốn bị trừ tiền. Ví dụ, một đơn vị được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5.000 tỷ đồng, năm đầu giao 1.000 tỷ đồng, nhưng vì lý do nào đó chỉ giải ngân được 800 tỷ đồng thì kế hoạch trung hạn sẽ bị giảm 200 tỷ đồng, chỉ còn 4.800 tỷ đồng.
Đây chính là câu chuyện chế tài mà chúng ta vẫn thường nói trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều người hỏi tôi làm sao để xử lý các đơn vị giải ngân thấp, có kỷ luật không? Xin nói là việc kỷ luật đều có nguyên tắc. Điều có thể thúc ép giải ngân nhanh chỉ là vấn đề kinh tế, tức đánh thẳng vào túi tiền. Nếu một đơn vị giải ngân thấp, theo quy định của Luật mới, số chưa giải ngân của năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân. Trước đây cho phép giải ngân trong 2 năm, nhưng năm 2021 bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm.
Việc bị cắt vốn là điều không ai mong muốn. Do vậy sẽ thúc ép giải ngân tốt hơn, đồng thời yêu cầu công tác lập kế hoạch phải chính xác hơn. Trước đây lập kế hoạch đầu tư công ai cũng muốn được bố trí càng nhiều tiền càng tốt, nhưng bây giờ nhiều chưa chắc đã tốt, vì không giải ngân được sẽ bị giảm trừ kế hoạch, bị phê bình. Vì thế, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải thận trọng khi tính toán lập kế hoạch, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị.
Cá nhân tôi kỳ vọng với những quy định mới, giải ngân đầu tư công năm 2021 sẽ tốt hơn năm 2020.