Xử lý triệt để điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng trong năm 2021, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Nhiệm vụ của 3 quý tiếp theo rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Áp lực giải ngân lớn

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

“Trong 3 tháng đầu năm, có đến 31 bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa giải ngân kế hoạch, tạo áp lực giải ngân rất lớn trong thời gian tới”, Bộ KH&ĐT nhận định. Đồng thời, thách thức lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn nước ngoài mới đạt 0,66% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%). Vì vậy, nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020.

Nguyên nhân chậm giải ngân trong 3 tháng đầu năm, theo Bộ KH&ĐT chủ yếu do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 sang năm 2021. Tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, theo một số nhà thầu, việc chậm giải ngân còn do điểm nghẽn đền bù giải phóng mặt bằng. Thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn, đặc biệt là về đất đai và thủ tục hành chính.

Gỡ điểm nghẽn, thúc tăng trưởng

Để đạt mục tiêu kép trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành giải pháp xử lý triệt để các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công như công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác chuẩn bị đầu tư sơ sài, dẫn đến khi dự án được quyết định đầu tư và bố trí vốn triển khai lại vướng mắc về quy hoạch, đơn giá, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đồng thời, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu...

Đối với vốn nước ngoài, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức các cuộc giao ban hàng tháng hoặc hàng quý để hướng dẫn các cơ quan, chủ đầu tư thực hiện thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ nước ngoài, kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu thầu, thuế, hồ sơ thanh toán liên quan đến nhà tài trợ, hoạt động tư vấn của từng dự án sử dụng vốn nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, bắt đầu từ năm 2021, Luật Đầu tư công chỉ cho phép giải ngân trong một năm, nếu bộ, ngành, địa phương nào không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn của bộ, ngành, địa phương đó.

Năm 2021 cũng là một năm đặc biệt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 7/2021. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, các quy hoạch được phê duyệt để tập trung lựa chọn danh mục dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, sớm hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư... tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng quy định Luật Đầu tư công.

Cùng với đó, chuẩn bị thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án, công trình lớn, trọng yếu, có tác động lan tỏa, đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng, tạo điều kiện để dự án có thể triển khai được ngay sau khi Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua, đẩy nhanh giải ngân vốn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư