Vàng son một thuở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không nhiều người tinh ý và cầu kỳ kiếm một chiếc đĩa gỗ sơn mài kiểu xưa để trưng vào đó năm thứ quả trong ngày Tết mà dâng lên ban thờ. Chỉ dư âm hình ảnh, hương sắc Tết xưa cũ phảng phất đâu đó ở chốn hoài niệm và nếu hiện hữu cũng chỉ là số ít ở không gian đặc hữu, không gian của những người già, trong những căn nhà cũ kỹ... Chiếc đĩa gỗ sơn mài gợi lại quá khứ vàng son của một nghề truyền thống.
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái ngày nay. Ảnh: st
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái ngày nay. Ảnh: st

Tinh hoa một nghề truyền thống

Ở Hà Nội, Nguyễn Đình Đặng là người hiểu tường tận và dành tình yêu lớn cho những chiếc đĩa gỗ sơn mài. Với người đàn ông tốt nghiệp Trường Kiến trúc này, đằng sau vật dụng giản dị đó không chỉ là ánh huy hoàng, tinh hoa một nghề truyền thống, mà còn là ký ức về quê hương và người thân quý của ông.

Trước Tết nửa tháng, ông Đặng mời tôi đến nhà ở một khu chung cư hiện đại tại Hà Nội và tiện về thăm vùng quê sơn mài Hạ Thái của ông. Ông Đặng dần chạm ngưỡng tuổi 70, tóc điểm bạc, say mê kéo tôi về ký ức như đứa trẻ lần theo mùi hương kẹo. Ông trầm ngâm mường tượng về cái Tết năm Đinh Tỵ (1977), khi các họa sĩ Lê Quốc Lộc, Trần Văn Cẩn, nhà báo Ba Kỳ về quê chúc Tết cụ Phó Thành (Đinh Văn Thành), ông ngoại cậu bé Đặng. Cụ Thành là nghệ nhân sơn, sơn mài nổi tiếng, con trai cụ Đinh Văn Thìn, nghệ nhân làm sơn nổi tiếng trong làng nghề truyền thống Hạ Thái.

Thời thơ ấu, cậu bé Đặng thường xuyên được nghe cụ Thành kể nhiều chuyện về nghề sơn, sơn mài. Dòng chảy của sông Tô Lịch nối dải đất kinh kỳ với phường sơn truyền thống xóm Phố (tên cổ là xóm Thượng Kiệt, xóm Gia Hát) thuộc xã Hạ Thái, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông và những lời thủ thỉ từ cụ Thành đã vun đắp tình yêu của Nguyễn Đình Đặng dành cho những vật dụng được chế tác từ sơn, sơn mài.

Theo các nhà nghiên cứu, nghề sơn có ở Hạ Thái từ khoảng thế kỷ XVI, tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn, nhưng các nghệ nhân phường sơn Hạ Thái xưa được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo. Cụ Phó Thành học theo nghề sơn ta vào năm 15 tuổi từ cha của mình. Vốn có năng khiếu, ham học hỏi và với đôi tay tài hoa, óc tổ chức nên từ năm 17 tuổi, cụ Thành đã đứng ra làm phó cả trong những kíp thợ chuyên hành nghề sơn trang trí truyền thống ở các đình, chùa, nhà thờ họ, tư thất. Không chỉ cùng kíp thợ làng Hạ Thái đi khắp các nơi trong vùng, cụ còn lên tận Hà Nội dựng xưởng ở khu 24 gian (173 phố Huế) để làm đồ trang trí truyền thống bằng sơn ta, được người tiêu dùng rất tín nhiệm.

Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Hà Nội. Ngay sau khi mở trường, người Pháp đã chủ trương mở khoa sơn dạy cho sinh viên nghề làm đồ sơn mỹ nghệ. Cụ Thành được Trường mời vào làm việc.

Việc nghiên cứu và cách làm sơn mài đã được họa sĩ Lê Quốc Lộc trực tiếp trao đổi với cụ Phó Thành và ghi lại trong bài viết “Gặp gỡ nghệ nhân sơn mài cao tuổi Đinh Văn Thành” đăng trên báo Văn nghệ số 23 ngày 7/6/1975: “Bác Thành kể lại cho tôi nghe cái việc tìm ra cách làm sơn mài: …Từ năm 1932, lớp sinh viên mỹ thuật thường sử dụng sơn ta để vẽ bài trang trí. Các thứ sơn cánh gián, sơn cánh gián pha son lúc đó đều có pha dầu trẩu, gọi là sơn quang dầu. Vẽ xong, sơn khô là được, chứ không mài để ra tranh nên mặt sơn có dầu thường bóng loáng, gợn nét vẽ, không phẳng nhẵn, mịn màng như sơn mài về sau. Có lần anh Trần Văn Cẩn vẽ hình con phượng bằng sơn then, rồi phủ sơn son lên hình phượng, phủ bằng sơn không có dầu mà có nhựa thông. Khi sơn khô, bác Thành đem mài, hình phượng rõ ra, mặt tranh nhẵn phẳng. Sự tìm tòi ra cách làm này mở đầu cho kỹ thuật mài sơn, khiến cho giáo sư người Pháp khi xem quá mừng rỡ, đem đập vỡ hết các chai đựng dầu pha sơn. Ông ta cho rằng đó là một khám phá quan trọng đối với nghề sơn”.

Rực rỡ nơi xứ người

Sơn mài Việt Nam ra mắt ở nước ngoài lần đầu là tại Hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris, thủ đô nước Pháp vào năm 1937. Chính cụ Thành là người có mặt tại hội chợ lớn này.

Cụ kể cho con cháu: Khi được cử tham dự Hội chợ, cụ phải đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng để lên tàu thủy vào Sài Gòn, sau đó tiếp tục theo tàu biển sang Pháp. Tàu thủy khi rời cảng Sài Gòn lênh đênh trên biển hàng tháng trời, suốt ngày đêm chỉ có trời và nước. Tàu đi qua kênh đào Suez, rồi cập bến kịp dự Hội chợ đấu xảo tại Paris. Tại đây, lần đầu tiên người Pháp được thấy tận mắt những sản phẩm sơn mài Việt Nam. Cụ Thành đã thao tác nghề sơn cho họ xem và họ rất khâm phục. Hàng sơn mài của cụ Thành bán hết nhanh, được giá nên khi về nước cụ đã trả hết nợ cho gia đình, lại tậu được hơn tám sào ruộng tốt và gần hai sào vườn…

Do có công lao đóng góp cho nghề sơn truyền thống và cho sự ra đời của sơn mài Việt Nam, ngày 24/5/1941 (năm Bảo Đại thứ 16), cụ Phó Thành được nhà vua ban tặng sắc phong: “Sắc vua ban cho thợ sơn Đinh Văn Thành quê xã Hạ Thái, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông theo lời đề nghị của quan Bộ Lại: Nay ban thưởng cho ngươi sắc tòng cửu phẩm bá hộ danh giá này”. Sắc phong này được viết trên giấy bản, có dấu son của vua và dấu màu tím của chính quyền Pháp bên cạnh, hiện gia đình ông Đặng vẫn giữ gìn cẩn thận.

Mạch ngầm lặng lẽ

Khi hòa bình lập lại (năm 1954), cụ Phó Thành là giảng viên về kỹ thuật sơn mài tại Trường Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), đào tạo và truyền niềm say mê nghề sơn mài cho nhiều thế hệ sinh viên tiếp nối phát huy nghề truyền thống của dân tộc cho đến khi nghỉ hưu năm 1963. Cụ đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn truyền thống và sơn mài có giá trị thẩm mỹ cao, được lưu giữ tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội…

Nghề sơn, sơn mài lặng lẽ như dòng chảy hiền hòa uốn quanh làng Hạ Thái cổ, dưỡng dục và là nguồn sống của nhiều lớp nghệ nhân. Cụ Phó Thành bận giảng dạy ở Hà Nội, không trực tiếp tham gia nhưng vẫn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật sơn mài cho các em của cụ ở quê và những người thợ sơn mài khác làm nòng cốt để cho ra đời Tổ sơn mài Thanh Hà, rồi năm 1959 thành lập Hợp tác xã Sơn mài Thanh Hà, sau đó là Hợp tác xã Sơn mài Bình Minh chuyên làm các mặt hàng sơn mài xuất khẩu.

Năm 1977, cụ Thành về cõi vĩnh hằng. Nghệ thuật sơn và những tuyệt tác mang đậm dấu ấn cổ truyền như chiếc kiệu cống, đĩa gỗ bày ngũ quả; hoành phi, câu đối... cũng bước vào chặng đường thăng trầm. Gian nhà cũ của cụ Thành ở Hà Thái nằm lặng lẽ dưới um tùm cây trái.

Tôi và ông Đặng ngồi trên bộ trường kỷ gỗ gụ cũ kỹ, ngắm nhiều kỷ vật cụ để lại. Những vật dụng đó như gạch nối chuyển tiếp giữa nghề sơn truyền thống với sơn mài Việt Nam hiện nay mà cụ Thành là một đại diện có phần đóng góp từ thuở sơ khai. Chiếc đĩa gỗ sơn mài bao bọc những thứ quả được ông Đặng dâng lên ban thờ cụ Phó Thành như nguồn chảy âm thầm chứa thông điệp khát khao về bảo tồn và phát huy tinh hoa nghề truyền thống của cha ông...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư