Rất nhiều doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất cao hơn lãi suất mà ngân hàng công bố. Ảnh: Nhã Chi |
Lãi suất thực 7 - 8% là vô lý
Tuy lãi suất cho vay hiện đã giảm khá nhiều so với mấy năm trước, nhưng theo ý kiến của nhiều DN và chuyên gia, lãi suất vẫn còn quá cao. So với khu vực và thế giới, mặt bằng lãi suất của Việt Nam có thể nói là đứng ở top đầu. Trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dùng từ “vô lý” khi nói về lãi suất thực lên đến 7 - 8% như hiện nay.
Lãi suất thực như vậy, nhưng lãi suất mà DN phải chịu trong nhiều trường hợp còn cao hơn. Ông Nguyễn Thái Hưng, Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, rất nhiều DN phải vay với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay được ngân hàng công bố.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cũng đồng tình cho rằng, lãi suất hiện nay là quá cao. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù lãi suất gần đây khá ổn định, song vẫn cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, lãi suất thực của Việt Nam rất cao, trong khi toàn bộ khu vực hay Trung Quốc thì lãi suất thực chỉ dao động 1 - 4%.
Nhìn từ góc độ của DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay đối với DN dịch vụ, thương mại thì tạm chấp chận được trong ngắn hạn; còn đối với DN sản xuất thì cao. Lãi suất cho vay cao dẫn đến chi phí tài chính lớn hơn thế giới, rất khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Thậm chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, TS. Lê Xuân Nghĩa quả quyết trên báo chí, nếu lãi suất tiếp tục tăng, toàn bộ nỗ lực phục hồi của DN, phục hồi kinh tế sẽ đổ sông, đổ bể.
Giảm lãi suất: Mũi tên trúng nhiều đích
Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, về cơ bản, để giảm lãi suất thực thì phải tăng lạm phát hoặc giảm lãi suất danh nghĩa. Đối với NHNN, các công cụ chính sách để thực hiện mục tiêu này đều dẫn đến việc mở rộng tiền tệ. Điều này cũng dẫn đến tác dụng phụ cho nền kinh tế, như lạm phát, gây áp lực phá giá VND so với USD.
Một số ý kiến cũng cho rằng, lãi suất khó giảm do áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ, tăng trưởng tín dụng, thanh khoản ngân hàng, tỷ giá... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. Theo ông Vũ Viết Ngoạn, giảm lãi suất là giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN. Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế là gần 5 triệu tỷ đồng. Nếu lãi suất giảm 1%, thì DN có thể giảm chi phí 50.000 tỷ đồng. Không công cụ thuế nào có thể hỗ trợ DN mạnh như thế. Giảm lãi suất 1% cũng sẽ giúp Chính phủ giảm được 2.500 tỷ đồng trả lãi huy động trái phiếu. Chưa kể, giảm lãi suất sẽ làm thị trường chứng khoán tăng đáng kể, từ đó giúp DN có thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
TS. Lê Xuân Nghĩa thì gợi ý, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ, sẽ gián tiếp giúp giảm lãi suất cho vay. Ý kiến khác khuyến nghị, việc giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn là giải pháp hợp lý và khả thi tại thời điểm hiện tại.
Dù việc điều hành lãi suất cần phải rất thận trọng, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải truyền đi thông điệp với DN là Chính phủ đang tìm mọi cách giảm lãi suất và chí ít là không tăng lãi suất. Như vậy, DN sẽ có thêm niềm tin và động lực để yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, các ngân hàng nên thiết kế lại cơ cấu cho vay theo hướng lãi suất phù hợp với khoản vay: khoản vay rủi ro cao, lợi nhuận lớn thì lãi suất cao; khoản vay rủi ro thấp, lợi nhuận thấp, có ý nghĩa kinh tế - xã hội thì lãi suất thấp. Như vậy, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng vẫn không thay đổi, chỉ là ngân hàng phải làm việc thực chất hơn, nhiều việc hơn. Vì thế quan trọng là các ngân hàng phải đồng tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp. Suy cho cùng, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng không thể tồn tại khỏe được.