Ươm mầm cho tương lai thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) Con người - nguồn nhân lực là yếu tố quyết định vận mệnh quốc gia trong mọi thời đại và mọi bối cảnh. Tinh thần hiếu học và truyền thống “tôn sư, trọng đạo” là một lợi thế giúp tạo ra nguồn nhân lực Việt chất lượng cao. Trong thời đại phát triển dựa trên tri thức và số hóa, tư duy giáo dục đang được thay đổi căn bản, hướng tới tạo ra sự đổi mới, nhưng không xa rời định hướng phát triển toàn diện con người để hình thành đội ngũ trí thức mới mang bản sắc văn hóa Việt Nam và đủ sức hội nhập.
Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục bắt đầu từ cấp mầm non, tiểu học nhằm chú trọng truyền thụ kiến thức (dạy chữ) và hình thành năng lực, phẩm chất tạo nên nhân cách con người (dạy người)
Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục bắt đầu từ cấp mầm non, tiểu học nhằm chú trọng truyền thụ kiến thức (dạy chữ) và hình thành năng lực, phẩm chất tạo nên nhân cách con người (dạy người)
PGS.TS. Lưu Bích Ngọc

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc

Giáo dục là quốc sách

Truyền thống dân tộc Việt hàng nghìn đời vẫn luôn coi trọng sự học. Các gia đình dù nghèo cũng cố gắng dành dụm, tiết kiệm chi tiêu để có thể gửi con tới trường. Văn hóa dân tộc Việt Nam vẫn lưu giữ truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, chỉ khác là xưa kia, sự học được quan niệm giới hạn phần nhiều trong phạm vi trường lớp, dần dần, sự học được hiểu rộng với quan điểm “học mọi nơi, học mọi lúc” và trong tiến trình phát triển của khoa học - công nghệ là “học tập suốt đời”.

Tri thức tạo nên nhân cách con người, quá trình học tập cũng là quá trình giúp con người trưởng thành trong xã hội. Đầu tư cho giáo dục, cho tri thức là khoản đầu tư hiệu quả nhất với bất kỳ mỗi cá nhân hay mọi gia đình. Tinh thần hiếu học của người trẻ và truyền thống đầu tư cho học tập của các gia đình Việt Nam là lợi thế, giúp tạo ra nguồn nhân lực Việt chất lượng cao trong tương lai. Bên cạnh đó, việc tạo nguồn nhân lực cho đất nước còn phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân, nơi cung cấp các chương trình giáo dục cả chính quy lẫn phi chính quy, là nền móng, tiền đề cho xây dựng xã hội học tập.

Nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013 (khoản 1, Điều 61) và tại Điều 4 Luật Giáo dục 2019.

Ngoài việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền… Sản phẩm của giáo dục là những thế hệ con người mới, phục vụ cho phát triển đất nước trong tương lai cả về mặt văn hoá, chính trị, kinh tế - xã hội.

Trong tiến trình lịch sử phát triển đất nước, hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam đang ở giai đoạn có đủ nghị lực và trí tuệ để sớm biến khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng thành hiện thực. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Nhìn lại hơn 30 năm qua, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với GDP năm 1990 mới đạt 14 tỷ USD, đến năm 2023 tổng GDP của nước ta ước đạt 430 tỷ USD. GDP/người năm 1990 mới đạt 250 USD, đến năm 2023 ước đạt 4.284 USD. Theo đánh giá của UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2021 là 0,703, xếp thứ 115 trong tổng số 191 nước, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.

Đối với Việt Nam lúc này, để thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay khi bước vào thế kỷ XXI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá của chiến lược phát triển đất nước, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và phát triển hạ tầng. Đến Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), Đảng nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”.

Kế thừa tinh thần các đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của quốc gia, hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân cần phải được đổi mới căn bản và toàn diện. Ngày 11/4/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Từ đây, giáo dục Việt Nam bắt đầu giai đoạn “chuyển đổi”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng tạo đột phá “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Trước đây, Luật Giáo dục 2005 đặt ra mục tiêu giáo dục là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đến Luật Giáo dục 2019, mục tiêu giáo dục đã được “làm mới”, phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là “giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, có đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.

Thời gian qua, hệ thống giáo dục quốc dân có nhiều đổi mới theo đúng những nội dung giải pháp đã được nêu ở Đại hội Đảng XIII (2021), thể hiện tính chất đổi mới toàn diện ở mọi cấp bậc học từ giáo dục mầm non tới giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đổi mới từ xây dựng và phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên tới cơ chế huy động nguồn lực cho giáo dục, phương thức quản trị nhà trường hay sự phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và cộng đồng trong giáo dục và đào tạo. Giáo dục chú trọng cả truyền thụ kiến thức (dạy chữ) lẫn hình thành năng lực, phẩm chất tạo nên nhân cách (dạy người). Giáo dục để phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc tới giáo dục để thích ứng với cuộc sống hiện đại (công dân số, công dân toàn cầu…).

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một quá trình gian nan, vất vả và đòi hỏi sự quyết tâm, kiên định với mục tiêu đổi mới cũng như đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Còn nhiều thách thức, khó khăn trước mắt, song với những thành quả của đổi mới giáo dục đến ngày hôm nay, chúng ta có thể tin tưởng rằng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, nguồn nhân lực mang bản sắc văn hóa Việt Nam, sẵn sàng cho hội nhập và phát triển.

Chuyên đề