Ứng phó thách thức mới trong thu hút vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện liên tục ghi nhận các kỷ lục mới, nhưng số vốn FDI đăng ký cấp mới vào Việt Nam đang có xu hướng giảm rõ rệt. Cùng với đó, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được thực thi trong năm 2023 có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút mới dòng vốn FDI. Thực tế này đòi hỏi những giải pháp vừa tháo gỡ điểm nghẽn, vừa tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được thực thi trong năm 2023, sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Ảnh: Thái Hiền
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được thực thi trong năm 2023, sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Ảnh: Thái Hiền

Nhận diện thách thức

Báo cáo trước Quốc hội mới đây, Chính phủ nêu rõ, thu hút FDI đầu tư mới là một trong những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới 9 tháng năm 2022 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, có nguyên nhân do vốn đăng ký cấp mới cùng kỳ năm 2021 tăng đột biến 4,41 tỷ USD từ 2 dự án đăng ký cấp mới trong quý I năm 2021 (gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II). Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10, Ngân hàng Thế giới nhận định, số vốn FDI đăng ký giảm còn do ảnh hưởng bởi những bất định gia tăng liên quan đến viễn cảnh kinh tế toàn cầu và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt để chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta hội nhập càng sâu rộng thì dòng vốn FDI càng chịu ảnh hưởng lớn của nền kinh tế toàn cầu. Số liệu từ thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam biến động mạnh khi các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008), cuộc khủng hoảng nợ công (năm 2010), khủng hoảng do đại dịch Covid-19 (kể từ năm 2020)… Khó khăn của kinh tế toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư phải thoái vốn, chậm triển khai dự án hoặc tỷ lệ vốn thực hiện so với cam kết không đảm bảo…

Cùng với đó, các diễn biến bất thường về chiến tranh, lạm phát, suy thoái kinh tế… tại nhiều quốc gia cũng đang và sẽ buộc các nhà đầu tư cân nhắc kỹ các quyết định đầu tư. Khó khăn cũng khiến các nước trong khu vực cạnh tranh mạnh hơn trong thu hút nguồn vốn từ bên kia biên giới... Trong xu hướng Trung Quốc + 1, dù Việt Nam được chọn là điểm đầu tư hấp dẫn, nhưng nhiều nhà đầu tư đã có hệ thống nhà cung ứng rất vững chắc tại Trung Quốc, khi dịch chuyển, họ phải lo hệ thống nhà cung ứng mới. Trong khi đó, Việt Nam còn yếu về công nghiệp hỗ trợ, thiếu nhà cung ứng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…

Xu hướng chuyển đổi số mạnh lên do tác động của dịch Covid-19 cũng làm thay đổi động lực đầu tư của chủ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp tìm kiếm nhiều hơn những nơi có lợi thế về công nghệ và kiến thức, trong khi Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về những điểm này. Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra thách thức khi chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách về thuế, hầu như được các địa phương áp dụng ở mức tốt nhất. Chưa hết, khi quy định thuế tối thiểu toàn cầu (15%) được thực thi, ưu đãi thuế sẽ không phải là công cụ thu hút FDI hữu hiệu nữa.

Vượt thách thức, cần chủ động ứng phó

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được thực thi trong năm 2023, sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị từ rất sớm trong việc rà soát quy định luật pháp, thậm chí sửa đổi, thực thi các biện pháp thu hút FDI khác thay thế cho các ưu đãi thuế. Với Việt Nam, cái khó là muốn thay đổi thể chế không thể ngày một, ngày hai, nhưng nếu không thay đổi kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút vốn FDI mới.

Chính sách chậm thay đổi có thể tác động đến nhiều dự án FDI đang hoạt động ở Việt Nam, ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư… Ông Hiếu cho rằng, đánh giá những yếu tố tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam là vấn đề cấp thiết và mong muốn Chính phủ thành lập một tổ công tác đặc biệt thực hiện việc này, nhằm đưa ra giải pháp kịp thời cho việc thu hút FDI thời gian tới.

Các chuyên gia VEPR thì khuyến nghị, trước những thách thức mới đến từ môi trường toàn cầu trong thu hút vốn FDI, Việt Nam cần có đánh giá kịp thời để xây dựng nền tảng chính sách theo kịp yêu cầu phát triển. Theo đó, cần giải được bài toán hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ, thu hút FDI hiện nay quan trọng nhất là chất lượng, không phải số lượng, phải thu hút được dòng vốn chất lượng cao hơn và Việt Nam thu được lợi ích lớn hơn. Muốn vậy, Việt Nam phải tiếp tục giảm chi phí logistics, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội…

Ông Nguyễn Phúc Hiền, Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, thu hút đầu tư mới bao nhiêu cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chăm sóc tốt nhà đầu tư hiện tại. Ông Phúc Hiền kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho triển khai dự án sau khi cấp phép, giúp nhà đầu tư hoạt động tốt, tăng mở rộng đầu tư hiện hữu, từ đó sẽ lan tỏa thông tin tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam tới các nhà đầu tư khác.

Chuyên đề