Chắt lọc dòng vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giai đoạn tới, với vị thế, tầm vóc cũng như mục tiêu chiến lược mới, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có sự thay đổi về chất, để cả nhà đầu tư và nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cùng hưởng “trái ngọt”.
Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên

Ứng viên hàng đầu trong chiến lược “Trung Quốc + 1”

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát khối doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2020 cho thấy, trong một năm nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc tăng cường vị thế như một lựa chọn hàng đầu với những doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm phương án đa dạng hóa danh mục đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Việt Nam đã chuyển hóa một số điểm yếu trước đây thành lợi thế so sánh với các nước trong khu vực, như yếu tố rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và bất ổn chính sách. Đồng thời, Việt Nam củng cố vị thế với thiết chế chính trị ổn định, tiến bộ đáng ghi nhận trên những lĩnh vực khó cải thiện như kiểm soát tham nhũng, thuế và cung cấp dịch vụ công. Nhờ đó, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn và là ứng viên hàng đầu đối với các tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2021 tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Đáng chú ý, số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Chú trọng chất lượng, hiệu quả hơn số lượng

Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới phải đem đến hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới phải có chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ..., tức là lấy hiệu quả đầu ra làm tiêu chí đánh giá, làm sao thu hút những dự án sử dụng ít đất hơn, ít tài nguyên hơn, ít năng lượng hơn, ít lao động hơn nhưng lại có đóng góp vào ngân sách lớn hơn. “Đó chính là những dự án công nghệ cao, chỉ công nghệ cao mới giải quyết được những vấn đề đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Một số chuyên gia khuyến nghị cần rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam; thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước.

Ông Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khuyến nghị, cần xây dựng chỉ số đo lường dự án FDI tốt, gồm các tiêu chí như dựa vào nhà cung ứng trong nước; tạo việc làm, trả lương cao hơn, đào tạo nhiều hơn; triển khai các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Để tăng hàm lượng nội địa của các mặt hàng chế biến chế tạo, ưu tiên doanh nghiệp FDI có nguồn cung từ doanh nghiệp nội địa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, khi đó mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện để liên kết, liên doanh, tham gia với các doanh nghiệp FDI.

Ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - nhận xét, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, để chuyển giao công nghệ hiệu quả từ khu vực FDI, cần có những chính sách thu hút hơn nữa toàn bộ chuỗi cung ứng vào Việt Nam, bao gồm ngành công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI. Việc thu hút không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các đối tác của họ tham gia vào quá trình sản xuất sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam về chuyển giao công nghệ. Theo đó, cần xem xét ưu đãi thuế thống nhất cho tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các ngành công nghệ cao và đáp ứng đủ điều kiện như số tiền đầu tư vượt tiêu chuẩn nhất định. Xây dựng chính sách khuyến khích (đất đai, ưu đãi thuế, lãi suất đối với các sản phẩm tạo ra từ hoạt động liên kết) để doanh nghiệp FDI chuyển giao cấu phần gia công, cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp nội địa. Các địa phương cần phối hợp hoặc có thể yêu cầu doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp sở tại.

Chủ động đón sóng

Khảo sát của VCCI cho thấy, hai lĩnh vực còn nhiều bất cập theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài là các thủ tục, quy định và hạ tầng. Vì thế, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Tại một hội nghị giữa Bộ KH&ĐT với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương cần tổ chức hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt là thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng. Đây là những vấn đề khó nhất mà nhà đầu tư gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam, nếu khắc phục được sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, khi đó mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện để liên kết, liên doanh, tham gia với các doanh nghiệp FDI. “Lâu nay chúng ta cứ nói tại sao trong một nền kinh tế có 2 nền kinh tế trong nước và nước ngoài, nền kinh tế có 2 khu vực doanh nghiệp không gắn kết được với nhau. Lý do chính và chủ yếu là doanh nghiệp trong nước chưa mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh để có thể tham gia cùng với doanh nghiệp nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhiều giải pháp được Bộ KH&ĐT đưa ra như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý các địa phương một cách làm mới, đó là trong quá trình xây dựng chính sách có kế hoạch, chương trình khuyến khích, hỗ trợ các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này khi tách ra thành lập doanh nghiệp sẽ là những người thành công nhanh nhất. Đây là hướng rất mới, rất tốt, rất nhanh để kết nối, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Phạm Hồng Chương, bên cạnh việc thu hút các dự án FDI, doanh nghiệp nội địa cần chủ động đầu tư công nghệ phù hợp, chọn lộ trình phát triển thích hợp để chủ động liên kết được với các đối tác và đón nhận các cấu phần sản xuất có lợi thế so sánh và giá trị gia tăng cao hơn. Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây chính là chìa khóa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp, đồng thời cũng là chìa khóa cho các mối liên kết doanh nghiệp nội địa - doanh nghiệp FDI khi làn sóng FDI mới đổ vào Việt Nam.

Chuyên đề