Đốc thúc dự án trọng điểm: Gia tăng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nguồn vốn đầu tư lớn được bố trí, các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh và Cần Thơ - Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, để tăng cường kết nối, các địa phương trong Vùng đang đề xuất đầu tư các dự án trọng điểm, liên vùng giai đoạn 2026 - 2030.
Đầu tư vào hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Song Lê
Đầu tư vào hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Song Lê

Theo báo cáo của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021 - 2025, ĐBSCL được bố trí hơn 114.200 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương. Theo đó, nguồn vốn này tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, liên vùng giữa các địa phương trong Vùng.

Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài 188,2 km đi qua 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng) với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, được chia làm 4 dự án thành phần (DATP).

Tới tháng 1/2025, DATP 1 đoạn qua tỉnh An Giang đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên toàn tuyến, đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch. Vốn năm 2024 bố trí cho DATP 1 là 3.750 tỷ đồng, dự kiến giải ngân 3.532 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch. DATP 2 đoạn qua TP. Cần Thơ dự kiến giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Giá trị thực hiện tại DATP 3 đoạn qua tỉnh Hậu Giang đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 27,5% giá trị hợp đồng xây lắp. DATP 4 đoạn qua tỉnh Sóc Trăng có tiến độ giải ngân chậm hơn, đạt 62,2% kế hoạch năm 2024, song hiện các nhà thầu đang tích cực đẩy nhanh thi công trên toàn tuyến.

Tiến độ xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh giai đoạn 1 cũng được 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang tích cực đốc thúc. Dự án có tổng mức đầu tư 7.496 tỷ đồng. Trong đó, DATP 1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp có tổng giá trị thực hiện đạt 1.244,3 tỷ đồng, tương đương 48,1% giá trị hợp đồng. Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho DATP 1 là 882 tỷ đồng. Tháng 11/2024, DATP này được bổ sung thêm 250 tỷ đồng. Đến nay, DATP 1 đã giải ngân 1.030 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch. Tại DATP 2, do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, phần lớn kinh phí giải phóng mặt bằng đã được giải ngân. Về phần xây lắp, giá trị giải ngân lũy kế từ khi triển khai DATP 2 đến nay là 832,387 tỷ đồng, đạt 91,04% kế hoạch.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, Ban và các nhà thầu đang quyết tâm tăng tốc để đưa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thông xe vào năm 2025. Đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông này có có tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được phân thành 2 DATP. Tiến độ giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 được bảo đảm. Theo đó, DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang được bố trí 2.568,3 tỷ đồng, đến hết 30/11/2024 đã giải ngân được 2.186,2 tỷ đồng, đạt 85,1% kế hoạch. DATP đoạn Hậu Giang - Cà Mau được bố trí 3.776,3 tỷ đồng, đến hết 30/11/2024 đã giải ngân được 3.507,6 tỷ đồng, đạt 92,9% kế hoạch.

Ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, quá trình thực hiện các dự án xây dựng cao tốc tại ĐBSCL gặp khó khăn, vướng mắc chung về nguồn vật liệu và trình tự thủ tục. Nguồn cát đắp khan hiếm, nguồn cung không ổn định ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chi phí xây dựng. Nguồn mỏ đá, đất đắp cũng khan hiếm; trình tự, thủ tục khai thác mỏ phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, địa phương rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong triển khai xây dựng cao tốc nhằm bảo đảm hoàn thành đồng bộ với các dự án trong Vùng.

Để tăng cường kết nối vùng ĐBSCL, các địa phương trong Vùng đang đề xuất đầu tư các dự án trọng điểm, liên vùng giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến có tổng cộng 51 dự án liên vùng được đề xuất đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 189.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số đó, có các dự án thuộc danh mục 7 nhóm dự án đầu tư kết cấu hạ tầng. Đơn cử như nhóm hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm: các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây; TP.HCM - Sóc Trăng; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Hồng Ngự - Trà Vinh. Nhóm hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Nhóm dự án nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đầu tư cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau. Nhóm dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

Tại Hội nghị lần 5 Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL ngày 3/1/2025, các địa phương xác định, công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, trọng điểm quốc gia… là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Các dự án Vùng và có tính chất Vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo Quy hoạch Vùng sẽ được ưu tiên nguồn vốn bố trí trong Kế hoạch trung hạn 2026 - 2030. Theo đó, ngay trong năm 2025, dành nguồn vốn phù hợp để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhằm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo năm 2025, ĐBSCL phải tăng tốc, bứt phá và một trong các nội dung lãnh đạo Chính phủ yêu cầu là tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động điều phối Vùng, đặc biệt là các dự án vùng và liên vùng.

Chuyên đề