Thu hút và lan tỏa dòng vốn FDI sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Trong năm 2022 và triển vọng trung hạn, có cơ sở để lạc quan về sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thu hút ĐTNN. Song song với đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để dòng vốn này đóng góp nhiều hơn vào quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong năm 2020 và 2021, theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam đứng trong top 20 quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Trong năm 2020 và 2021, theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam đứng trong top 20 quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Thành quả trong khó khăn

Trong năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan trên toàn cầu, gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa từng có ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do ảnh hưởng của đại dịch, các giải pháp phong tỏa phạm vi quốc gia và quốc tế đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất và lưu thông hàng hóa, đình trệ sản xuất, kéo lùi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Theo báo cáo của UNCTAD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2020 giảm mạnh. Năm 2019, FDI toàn cầu đạt 1.500 tỷ USD, năm 2020 giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD.

Việt Nam là quốc gia hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư, không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội trong đại dịch. Tuy vậy, trong năm 2020 và 2021, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng GDP dương, thu hút FDI giữ được ổn định so với trước đại dịch. Cũng trong năm 2020 và 2021, theo báo cáo FDI toàn cầu của UNCTAD, Việt Nam đứng trong tốp 20 quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất toàn cầu.

Có được kết quả trên, có những nguyên nhân rất cơ bản. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao đóng góp của khu vực FDI cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, coi FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Và trên thực tế, FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, những điểm mạnh rất cơ bản về môi trường đầu tư liên tục được cải thiện trong nhiều năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định. Hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định FTA thế hệ mới, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu EU... Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không ngừng được cải thiện như cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc, mạng lưới viễn thông, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất... Nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng lao động cho các doanh nghiệp FDI.

Mới đây, Tổng giám đốc HSBC Tim Evans dự báo: kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.

Riêng trong hai năm 2020, 2021 còn có ba yếu tố nổi bật giúp Việt Nam giữ vững niềm tin đối với nhà ĐTNN. Đó là sự điều hành nhạy bén, kịp thời và quyết liệt của Chính phủ. Còn nhớ, khi dịch bệnh Covid-19 cao điểm tại một số tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã chỉ đạo huy động nguồn lực cả nước cùng hỗ trợ dập dịch, chiến dịch ngoại giao và tiêm vaccine thần tốc đã giúp Việt Nam đầu năm 2021 còn có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine thấp trong khu vực và trên thế giới nhưng đến cuối năm 2021 đã nằm trong top 6 quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, góp phần đẩy lùi đại dịch, nhanh chóng chuyển từ chiến lược zelo Covid sang trạng thái bình thường mới vừa chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Thứ hai là khả năng chống chịu của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong khó khăn của đại dịch, được sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN tìm mọi cách để duy trì sản xuất, để tồn tại.

Thứ ba là quyết tâm và khả năng thích ứng, bắt kịp những xu thế phát triển trên thế giới như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Ngay trong đại dịch, Chính phủ đã xây dựng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Cơ hội mới từ dòng vốn đang hồi phục

Năm 2021 đã qua, năm 2022 đang mở ra cơ hội phục hồi và bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới của kinh tế thế giới. Mới đây, Tổng giám đốc HSBC Tim Evans dự báo: kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ ĐTNN mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu. “Với Việt Nam, tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng. Năm 2021 đã khép lại, tình huống tệ nhất đã ở lại sau lưng... chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự”, ông Tim Evans nhận định.

Chúng ta có niềm tin trên cơ sở khoa học vào những dự báo lạc quan trong năm 2022 và những năm tiếp theo trong tiến trình hồi phục và phát triển kinh tế Việt Nam. Để phát huy hiệu quả của dòng vốn ĐTNN đối với nền kinh tế, cần cụ thể hóa những mục tiêu, lợi thế so sánh; nhận diện những điểm hạn chế, những thách thức đang hiện hữu và có khả năng xuất hiện để có các giải pháp khắc phục, nâng cao cả về số lượng và chất lượng ĐTNN. Trước hết cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN.

Điểm rất quan trọng đó là cần chọn lọc để đối xử bình đẳng các dự án FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng 7 tiêu chí để chọn lọc FDI thời gian tới gồm: suất vốn đầu tư/ha đất; số lao động tại mỗi dự án đầu tư; hàm lượng công nghệ cao của dự án; cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư; khả năng liên kết với khu vực DN trong nước; bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây sẽ là công cụ cần thiết để chọn lọc, đón bắt các dự án đầu tư chất lượng, hiệu quả, loại bỏ dự án kém chất lượng. Cũng cần cụ thể, chi tiết và lượng hóa các tiêu chí này theo điều kiện của mỗi địa phương để triển khai thực hiện.

Tiếp tục chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, cả về số lượng và chất lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... Thu hút FDI nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung và từng địa phương, khu vực. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển, là nội dung quyết định để tiếp thu chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ cao.

Có những giải pháp căn cơ để khắc phục những hạn chế cố hữu về hiệu quả FDI thấp trong thời gian qua như: chuyển giao công nghệ hạn chế; giá trị gia tăng thấp; các DN Việt Nam tham gia công nghiệp phụ trợ cũng như chuỗi giá trị hàng hóa của các DN FDI thấp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế... Có hai nguyên nhân rất cơ bản của những hạn chế trên, đó là sự liên kết hợp tác cũng như sự lan tỏa của các DN FDI với DN Việt Nam còn rất hạn chế; nhiều DN Việt Nam đặc biệt là các DN nhỏ và vừa chưa đủ năng lực và trình độ để hợp tác bình đẳng với các DN FDI. Nâng cao năng lực của DN Việt là giải pháp căn cơ nhằm thu hút FDI chất lượng và hiệu quả.

Các giải pháp minh bạch hóa môi trường đầu tư, nâng cao đạo đức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ công chức cùng với quá trình quản lý FDI về bảo vệ môi trường, chống chuyển giá... là những giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả ĐTNN.

Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng cần hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Niềm tin của các nhà đầu tư đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam chính là chất xúc tác xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả nhất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư