Tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ở một số địa phương có xu hướng giảm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
UBND tỉnh Lai Châu cho biết, năm 2022, địa phương này lựa chọn nhà thầu cho 473 gói thầu với tổng giá gói thầu 3.744,08 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 3.719,96 tỷ đồng, giảm 24,11 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,64%.
Tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của tỉnh Yên Bái năm 2022 đạt 0,79% thông qua lựa chọn nhà thầu cho 4.739 gói thầu. Tổng giá trị gói thầu là 6.120,037 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 6.071,652 tỷ đồng, chênh lệch giảm 48,385 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2022 toàn Tỉnh lựa chọn nhà thầu cho 4.739 gói thầu với tổng giá trị 6.120,3 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 6.071,6 tỷ đồng, tiết kiệm 0,79% sau đấu thầu (năm 2021, tỷ lệ tiết kiệm của địa phương này đạt 3,74%).
Báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, năm 2022, thông qua lựa chọn nhà thầu cho 1.050 gói thầu, Tỉnh đã tiết kiệm được 1,294 tỷ đồng, tương đương 0,5% (tổng giá gói thầu 248,963 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 247,669 tỷ đồng). Năm 2021, con số tiết kiệm qua đấu thầu của Tỉnh này đạt 2,58%.
Tại Hòa Bình, UBND tỉnh cho biết, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu năm 2022 đạt 0,62% (có 2.884 gói thầu với tổng giá gói thầu 8.136,4 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 8.085,8 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 50,5 tỷ đồng). Năm 2021, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của địa phương này là 6,3%.
Theo số liệu từ Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình, năm 2022, thông qua tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2.439 gói thầu đã tiết kiệm được 43,644 tỷ đồng (tổng giá gói thầu 7.284,057 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 7.240,414 tỷ đồng).
Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2022, địa phương này đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 6.243 gói thầu, tổng giá gói thầu 8.552,805 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 8.495,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,67%.
Tại tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu năm 2022 trên địa bàn là 0,87%. Thông qua lựa chọn nhà thầu cho 1.621 gói thầu, Đắk Nông tiết kiệm được 40,362 tỷ đồng (tổng giá gói thầu 4.614,511 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 4.574,149 tỷ đồng).
Tại Sóc Trăng, năm 2022, tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 3.953 gói thầu (5.834,291 tỷ đồng) đã tiết kiệm được 51,956 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,89% so với tổng giá gói thầu…
Khảo sát của phóng viên cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu năm 2022 ở nhiều địa phương có xu hướng giảm so với năm 2021 và các năm trước.
Lý giải hiện tượng tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ở nhiều địa phương đạt thấp, chuyên gia đấu thầu rằng, năm 2022, giá cả nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng tăng cao, chi phí nhân công xây dựng cũng tăng trong bối cảnh thiếu nhân lực trong và sau dịch Covid-19. Trong khi đó, các đơn giá định mức công việc, nhân công của Nhà nước chưa kịp điều chỉnh. Do chi phí tăng mạnh, nên tại thời điểm dự thầu, nhà thầu ít khi giảm giá chào thầu. Thậm chí, có tình trạng gói thầu phải đấu thầu nhiều lần mới chọn được nhà thầu vì giá dự thầu vượt xa giá gói thầu. Mỗi lần đấu thầu lại, chủ đầu tư phải điều chỉnh tăng giá gói thầu cho sát với thị trường.
Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiết kiệm đi xuống là tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu thấp, đặc biệt là ở các gói thầu xây lắp. Kết quả khảo sát trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận khá phổ biến tình trạng đấu thầu không cạnh tranh (mỗi gói thầu xây lắp chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu thầu và trúng thầu).
Ngoài ra, theo chia sẻ của một số nhà thầu với phóng viên, năm 2022 xảy ra việc khởi tố, xử lý kỷ luật nhiều cá nhân, tổ chức làm công tác đấu thầu nên các chủ đầu tư có xu hướng làm “chặt” dự toán gói thầu, khi xây dựng đơn giá, định mức đều có xu hướng lấy mức thấp trong khoảng giới hạn cho phép của cơ quan chức năng. Do đó, khi đưa ra tổ chức đấu thầu, nhà thầu khó lòng giảm giá sâu so với dự toán được phê duyệt. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu năm 2022 không cao.