Ảnh Internet |
Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần nghiên cứu, so sánh cụ thể phương án tài chính của các phương án đầu tư để đề xuất phương án tối ưu hơn, bảo đảm tính khả thi.
Rà soát lại quy hoạch, quy mô
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), điểm cuối tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn là tại Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình, không phải là TP. Bắc Kạn. Đoạn từ KCN Thanh Bình (thuộc huyện Chợ Mới) - TP. Bắc Kạn (dài khoảng 40 km) chưa có trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung đoạn từ KCN Thanh Bình - TP. Bắc Kạn vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để có cơ sở nghiên cứu phương án đầu tư đoạn tuyến này.
Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Bộ GTVT cần làm rõ chiều dài đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn để tính toán đầu tư. Cụ thể, Văn bản số 14944/BGTVT-ĐTCT ngày 15/12/2016 thì đề nghị chiều dài đoạn này là 30 km nhưng Văn bản số 5599/BGTVT-ĐTCT ngày 26/5/2017 thì đề nghị chiều dài tuyến này là 40 km.
Về việc Bộ GTVT đề nghị dùng khoản kinh phí thu được từ việc thực hiện Dự án BOT QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên để đầu tư đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn, Bộ KH&ĐT khẳng định, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy định, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hiện chưa đáp ứng đủ nguồn vốn đối ứng ODA, vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp. Do đó, việc Bộ GTVT đề nghị bố trí vốn ngân sách nhà nước để đầu tư dự án khởi công mới như Dự án Chợ Mới - Bắc Kạn là không phù hợp.
Cần tính toán phương án tối ưu
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo loại hợp đồng BOT được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3002/QĐ-BGTVT ngày 7/8/2014.
Tháng 11/2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí tại Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn). Theo đó, dự án này được đặt hai trạm thu phí hoàn vốn trên tuyến mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) và tuyến QL3 hiện hữu (đoạn từ Thái Nguyên - Chợ Mới). Hai trạm thu phí có cùng mức thu như nhau. Trong đó, mức thu thấp nhất (với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) là 35.000 đồng/lượt. Mức giá cao nhất 200.000/lượt dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 fit.
Cũng liên quan đến đề nghị của Bộ GTVT, mới đây Bộ Xây dựng đã có ý kiến cho rằng, phương án để nhà đầu tư thực hiện dự án phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản kinh phí 2.243 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (không tính khoản tiền 602 tỷ đồng để trả nợ đọng xây dựng cơ bản) là khó khả thi và khó thu hút được nhà đầu tư quan tâm.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, so với phương án của Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 14944/BGTVT-ĐTCT ngày 15/12/2016 thì phương án đề nghị tại Văn bản số 5599/BGTVT-ĐTCT ngày 26/5/2017 sẽ dẫn đến việc tăng phí hoặc thêm thời gian thu phí của Dự án Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức BOT và Nhà nước phải bỏ kinh phí để quản lý, bảo trì sau đầu tư đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn (phương án trước đây là có thu phí trên đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn để chia sẻ, hoàn vốn cho nhà đầu tư). Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, nên xây dựng đoạn cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn theo phương án như đề xuất trước đây của Bộ GTVT tại Văn bản số 14944/BGTVT-ĐTCT ngày 15/12/2016.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ GTVT cũng chưa nêu cụ thể phương án tài chính của dự án đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức BOT (mức phí, lộ trình tăng phí dự kiến, thời gian hoàn vốn…).