Nhiều người kỳ vọng khi Luật PPP được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo cho nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vào lưới điện truyền tải. Ảnh: Quang Tuấn |
Nghẽn lưới truyền tải, nhiều dự án giảm công suất phát điện
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, có khoảng 120 dự án điện năng lượng tái tạo đi vào hoạt động, còn hơn 200 dự án khác vẫn đang nằm chờ được cấp phép. Tính đến 30/6/2019, mới có khoảng 4.900 MW điện năng lượng tái tạo được tạo ra nhưng chỉ có 30 - 40% số này được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Điểm nghẽn này đang gây lãng phí rất lớn trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang hiển hiện trước mắt.
Làm rõ thực trạng này, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 10 tháng năm nay, điện năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống vào sản xuất tăng 2,12%, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao so với dự kiến cả năm… “Ngành điện đang huy động tối đa năng lực phát điện của 79/88 nhà máy điện mặt trời và điện gió với tổng công suất gần 4.200 MW ( chiếm 86% công suất). Trong đó có 19 dự án trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”, ông Đăng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đăng, hiện các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận và Bình Thuận đang phải hạn chế công suất phát điện. Lý do là các dự án này được đấu nối trên trục đường dây 110 kV mạch đơn từ Tháp Chàm - Phan Rí - Đại Ninh khi năng lực giải tỏa tối đa chỉ được khoảng 230 MW, tương ứng 35% công suất lắp đặt các dự án. Hơn nữa, các dự án này được đầu tư đồng loạt với thời gian đầu tư ngắn (6 -12 tháng) trong khi các công trình lưới điện để giải tỏa công suất nguồn điện không thể đáp ứng đồng bộ. Ông Đăng cho biết, thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy định mất khoảng 2 - 3 năm.
Do thiếu lưới truyền tải điện khiến các dự án điện năng lượng tái tạo được đầu tư thời gian vừa qua không có cơ hội phát hết công suất lắp đặt, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, có hơn một nửa số dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh này phải giảm công suất phát điện đến hơn 60%; nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ đồng.
Chính điểm nghẽn này đang khiến nhiều nhà đầu tư dù rất muốn phát triển các dự án điện tái tạo nhưng buộc phải cân nhắc. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hà Đô Ninh Thuận cho hay, bên cạnh 14 dự án năng lượng tái tạo với 3 lĩnh vực chính là thủy điện, điện gió và điện mặt trời mà doanh nghiêp (DN) đang đầu tư thì DN này cũng đang nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo ở một số địa bàn tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất trong quyết định đầu tư là hiện quy hoạch nguồn điện và lưới điện thiếu sự đồng bộ.
Thúc đẩy tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải
Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo ở nhiều địa phương hiện nay rất khó khăn do chúng ta đầu tư đường dây tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ.
Theo Phó Thủ tướng, vướng mắc trong huy động đầu tư cho đường dây truyền tải điện hiện nằm ở Luật Điện lực. “Luật Điện lực có một điều quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, nhưng không có nghĩa là độc quyền cả về đầu tư. Ở đây là độc quyền về quản lý”. Liên quan đến đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cho truyền tải điện. Hiện nay và trước đây chúng ta vẫn làm như vậy. Do đó, nội dung này chúng ta thực hiện không máy móc.
Ủng hộ quan điểm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện, chia sẻ với báo giới bên lề Hội thảo quốc tế về Năng lượng tái tạo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ: “Tôi ủng hộ nhà đầu tư tư nhân tham gia vào truyền tải điện, nhất là trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn như hiện nay”.
Trả lời câu hỏi là có cần sửa đổi quy định của pháp luật hay không để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào truyền tải điện, ông Cương cho rằng: Với kinh nghiệm là người làm pháp luật thì quy định trong Luật Điện lực hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là cần làm rõ trong hoạt động truyền tải bao gồm những hoạt động gì, khi đó tư nhân tham gia đầu tư sẽ không lo vướng đây là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước.
Hiện thực hóa chủ trương này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch quy hoạch của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang làm nhiều việc để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống điện cũng như lưới điện truyền tải. Đây là giải pháp đảm bảo cho các dự án điện năng lượng tái tạo phát được hết công suất, tránh tắc nghẽn. Đặc biệt, theo ông Tuấn Anh, thời gian tới, Luật PPP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo cho nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vào lưới điện truyền tải.
Với tư cách là nhà đầu tư, khi vướng mắc đầu tư truyền tải điện được tháo gỡ, ông Vinh khẳng định: “Tôi sẵn sàng đầu tư vào lưới. Nhà nước cho tư nhân tham gia đến đâu thì nhà đầu tư tham gia đến đó trên cơ sở hạch toán có lợi”.