Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của các tỉnh Đông Nam bộ trong năm 2016 ước tính đạt 35 triệu m3 và dự báo có thể sẽ cần khoảng 45 triệu m3 vào năm 2020. Trong khi đó, khu vực phía Nam với các mỏ đá đã khai thác cạn kiệt, hoặc gần hết thời hạn khai thác và việc cấp giấy phép mới là điều khó khăn. Chính vì vậy, nhu cầu vượt cung nên giá bán tăng cao. Đây là lợi thế đối với các công ty có mỏ đá với thời hạn khai thác lâu dài/trữ lượng lớn.
Ngoài ra, theo ông Hoàng, triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành có mỏ đá nằm ở phía Nam còn nằm ở các công trình giao thông lớn được lên kế hoạch đầu tư như sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, mở rộng quốc lộ 20 lên Đà Lạt… cộng thêm sự hồi phục của thị trường bất động sản nên nhu cầu tăng cao.
Hiện CTI đang sở hữu 4 mỏ đá Xuân Hòa, Tân Cang 8, Đồi Chùa 3 và Thiện Tân với trữ lượng khai thác hằng năm có thể đạt 320.000 tấn. Trong năm 2017, mảng kinh doanh khai thác đá của CTI có sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu gần 100 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với mức 30 tỷ đồng của năm 2016. Đồng thời, CTI đã đưa vào hoạt động hệ thống dàn máy nghiền đá mới giúp tăng công suất lên thêm 250 tấn/h, tương đương tăng 40% so với công suất cũ. Công suất khai thác mới này đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của thị trường vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay với 2 sản phẩm là đá mi bụi và đá 4x6.
Từ trước đến nay, CTI chưa đẩy mạnh mảng này nhưng từ năm 2017, CTI sẽ tái tập trung để gia tăng thị phần và chuẩn bị cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Đồng Nai, như Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành,…
ĐHĐCĐ CTI diễn ra cuối tuần trước cũng đã thông qua kết hoạch kinh doanh năm 2018. Cụ thể, doanh thu hợp nhất dự kiến 1.118 tỷ đồng, tăng nhẹ 7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 148 tỷ đồng ,giảm 3,8% so với thực hiện năm 2017. Đối với công ty mẹ, mục tiêu đạt 705 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp chính vẫn là hoạt động thu phí các dự án BOT 400 tỷ đồng, mảng xây lắp 295 tỷ đồng và khai thác đá xây dựng 160 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017.
Để thực hiện kế hoạch, CTI sẽ hoàn thành thi công dự án nút giao 319 và cao tốc TP.HCM-Long Thành để bước sang năm 2019 có thể đưa vào khai thác thu phí. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội tại Tam Hòa Tam Phước, tổng vốn đầu tư trong năm khoảng 200 tỷ đồng và dự án KDL Đảo ó – Đảo trường, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Công ty cũng chuẩn bị cho các dự án gối đầu như KCN Phước Bình – Long Thành, dự án nhà ở xã hội Phước Tân. Theo ông Hoàng, đây là cơ sở quan trọng để công ty tạo tiền đề cho những đột phá mới, tạo vị thế mạnh mẽ trong thời gian tới.
Năm 2018, tổng mức đầu tư dự kiến của CTI là 980 tỷ đồng, trong đó, đầu tư 60 tỷ đồng cho dự án nút giao 319 và cao tốc TP.HCM - Long Thành; 200 tỷ đồng cho dự án khu nhà ở xã hội phường Tam Hòa; 50 tỷ đồng cho khu nhà hàng Đảo Ó - Đồng Trường; 50 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị cho mỏ đá Xuân Hòa, Tân Cang 8 và Thiện Tân 10 và 300 tỷ đồng cho các dự án tiềm năng khác.