Truyền thống tôn trọng hiền tài trong nền văn hiến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đánh giá trình độ văn hóa của một dân tộc, trước hết người ta căn cứ vào mặt bằng trình độ văn hóa phổ biến của nhân dân và chiều sâu trí tuệ của những cá nhân xuất sắc trên cái nền tảng phổ quát đó. Đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào, việc sử dụng hiền tài luôn được xem là quốc sách chiến lược. Danh thần nhà Lê Thân Nhân Trung đã để lại một chân lý: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước tàn” (1).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải Nhất cho Nhóm tác giả lĩnh vực Công nghệ số tại Lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” lần thứ 17, tổ chức tháng 12/2023. Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải Nhất cho Nhóm tác giả lĩnh vực Công nghệ số tại Lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” lần thứ 17, tổ chức tháng 12/2023. Ảnh: Trần Hải

Sử dụng hiền tài trong nền văn hiến Việt Nam truyền thống

Theo các thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc, trong thời kỳ Bắc thuộc, vai trò của giới trí thức (chủ yếu là trí thức tăng lữ Phật giáo) đã rất được chú trọng. Thời Đường của Trung Hoa, nhiều danh sĩ nước Nam đã được các vua nhà Đường mời vào cung thuyết pháp và xướng họa. Có thể nói, họ là những hiền tài bảo vệ và giữ gìn quốc hồn, quốc túy của dân tộc trong giai đoạn này.

Sau khi giành được độc lập, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê mong muốn xây dựng nhà nước tự chủ với phương Bắc, do đó đã coi việc tuyển dụng hiền tài ra giúp nước là một quốc sách. Giai đoạn này nổi lên vai trò của các nhà sư, tiêu biểu cho tri thức, đạo đức và uy tín xã hội. Các nhà sư có trình độ uyên thâm về Hán học đã trở thành những nhà ngoại giao xuất sắc đón tiếp sứ thần phương Bắc, hơn nữa còn là những người biết dùng thơ văn để ca ngợi chiến công và hào khí của dân tộc. Nhiều việc trọng đại của đất nước đã được các vua Đinh và Tiền Lê hỏi ý kiến của các thiền sư như Ngô Chân Lưu (933 - 1011), Đỗ Pháp Thuận (915 - 990).

Cùng với sự phát triển của bộ máy nhà nước, triều đại nhà Lý đã không dừng lại ở việc sử dụng các nhà sư giỏi, mà bắt tay xây dựng, phát triển giáo dục, trực tiếp đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Năm 1070, Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu, mở Quốc Tử Giám cho các hoàng tử đến học. Năm 1075, khoa thi quốc gia đầu tiên được tổ chức và Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên khai khoa của nước nhà. Ông là người đã góp phần đắc lực vào việc bảo vệ và xây dựng triều Lý Nhân Tông, một thời kỳ thịnh trị thái bình được sử sách ca ngợi. Dưới triều Lý, các thiền sư như Vạn Hạnh, Viên Thông, các danh tài anh kiệt như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt... đã thực sự đóng vai trò trụ cột của triều chính và chống quân xâm lược.

Nhà Trần đã thể hiện mình trước hết ở khả năng tự vươn lên trong việc bồi dưỡng học vấn và văn hóa. Các danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật..., những vị vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... không chỉ là tướng, là vua, mà còn là trí thức, hiền tài của đất nước. Nhà Trần vừa củng cố hệ thống thi cử, vừa thực thi một đường lối cầu hiền thông thoáng, đòi hỏi học vị phải gắn chặt với tài năng thực sự.

Đoàn Nhữ Hài - một người có kiến thức uyên thâm nhờ tự học, không qua khoa cử, nhưng vẫn được vua Trần Anh Tông tin dùng. Nhận xét về cách dùng người của nhà Trần, sử gia Phan Huy Chú viết: “Triều Trần dùng người thật công bằng, tuy đã đặt khoa mục mà trong việc kén dùng chỉ cốt tài là được, cho nên nhiều nho sĩ có chí khí thường được trổ tài của mình” (2). Có lẽ vì thế danh tài anh kiệt đời Trần hết sức phong phú, đa dạng. Triều Trần còn có các danh nhân như Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An... với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, xây dựng cuộc sống thanh bình cho muôn dân.

Sang thời nhà Lê, nho giáo trở thành quốc giáo, tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo. Đây chính là nguồn lực cơ bản để nuôi dưỡng nhân tài. Danh sĩ Đỗ Nhuận đời Lê Thánh Tông viết trên bia ký: “Việc lớn trong chính trị của đế vương chẳng gì gấp bằng nhân tài, chế độ nhà nước muốn được kỹ càng tất phải đợi ở hậu thánh” (3). Đây cũng là thời kỳ của nhiều danh nhân như Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm… và cùng với họ là những công trình khoa học, văn hóa lớn làm nên diện mạo đặc sắc của nền văn hóa nước nhà.

Thời Tây Sơn tồn tại ngắn ngủi (1771 - 1802), nhưng cách dùng người của vua Quang Trung để lại những bài học sâu sắc. Sự kiên trì, tế nhị và tấm lòng chân thành đã giúp Nguyễn Huệ thu phục được phần lớn giới sĩ phu Bắc Hà. Hậu thế còn nhắc đến thời đại vua Quang Trung với một niềm luyến tiếc bởi những suy đoán về một cơ may vượt thoát đã không thành hiện thực.

Tóm lại, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều nhân vật ưu tú, đóng góp tích cực cho tiến bộ xã hội được lịch sử thừa nhận và tôn vinh. Tôn trọng hiền tài trong phép trị nước đã trở thành một dòng chủ lưu trong tiến trình tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

Sử dụng hiền tài trong thời đại Hồ Chí Minh

Quan điểm và cách thức sử dụng hiền tài, trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản phong phú, một nhân tố quan trọng cho những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Mang tầm vóc của một nhà văn hóa lớn, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã có dịp làm quen, kết bạn và cùng hoạt động với rất nhiều trí thức tiến bộ trên khắp thế giới. Từ rất sớm, Người đã nhận thức rõ ràng về chức năng và vai trò của người trí thức chân chính gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng đồng bào. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Người đã có hai bài viết nổi tiếng: Nhân tài và kiến quốc (14/1/1945) và Tìm người tài đức (20/11/1946) có thể xem như “Chiếu cầu hiền” của thời đại mới. Trong đó, Người xác định: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận” (4). Tiếp đến, Người nêu ra chương trình hành động cụ thể: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (5).

Hồ Chí Minh đã phát hiện, thu hút, cảm hóa, đào tạo được nhiều nhân tài, đưa họ đứng vào hàng ngũ cách mạng. Trong số đó, có thể kể tới các nhân sĩ trí thức như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Khắc Hòe, Lê Văn Hiến..., những nhà khoa học đầu đàn như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di..., những nhà hoạt động chính trị - quân sự nổi tiếng như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Cách dùng người của Hồ Chí Minh xuất phát từ một quan niệm hết sức hiện đại và nhân văn về con người. Đó là trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ chiến lược, là tinh thần khoan dung nhân ái của một nhà văn hóa lớn. Người đã đến với họ bằng tất cả sự chân tình, cảm thông và tin tưởng, không một chút thành kiến, tất cả đều hướng tới phục vụ lợi ích tối cao của nhân dân và dân tộc. Huỳnh Thúc Kháng, một bậc trí thức yêu nước có uy tín lớn trước cách mạng tâm sự: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi” (6). Luật sư Phan Anh kể: “Tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác. Vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng” (7).

Đi xa hơn, Hồ Chí Minh chủ trương vừa sử dụng, kết hợp cải tạo đội ngũ trí thức cũ, vừa đào tạo và phát triển lực lượng trí thức mới, đặc biệt là trí thức xuất thân từ tầng lớp lao động. Quan điểm của Người là học đi đôi với hành, sách vở không được giáo điều, xa rời lao động. Con đường học tập của người trí thức là phải hướng đến sự thật, chân lý, đến lao động để phục vụ nhân dân. Tư tưởng về trí thức là một bộ phận quan trọng trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở đó thể hiện một sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn và khoa học về vai trò người trí thức trong lịch sử.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong phát triển đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức đã có tổ chức của mình, là một trong những thành viên chính của Mặt trận qua các thời kỳ: Hội Văn hóa cứu quốc (1943 - 1948); Đảng Xã hội Việt Nam (từ tháng 7/1946); hiện nay là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các hội thành viên của hai liên hiệp này. Trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam ghi rõ: “Nền tảng của nhân dân là công, nông và lao động trí óc. Người lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân”. Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định: “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”, đồng thời cần “có cơ chế, chính sách và biện pháp đúng đắn nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật phát huy lao động sáng tạo, hướng về cơ sở sản xuất, về các địa bàn kinh tế đang cần sự có mặt của họ. Đảng và Nhà nước cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi để những người làm công tác khoa học, kỹ thuật hoạt động có kết quả”.

Đảng ta ngày càng quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức, cũng như đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là: hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.

Kết luận số 90-KL/TW ngày 4/3/2014 của Bộ Chính trị nêu rõ, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 cần được gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học công nghệ và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7, tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng kết hợp với cơ chế trí thức tự đề xuất trong hoạt động nghiên cứu, sáng tác. Hoàn thiện quy chế tạm thời về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Hoàn thiện Đề án “Phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020 phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Đại hội XII của Đảng cũng đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Có thể thấy, tôn trọng hiền tài là một truyền thống đã được duy trì, kế thừa và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nền kinh tế tri thức hiện đại đang mở ra trước mắt chúng ta càng đòi hỏi một cách gay gắt hơn lúc nào hết về nền tảng trí tuệ để tồn tại và phát triển. Nhưng, trí thức nói chung và tiêu biểu là những cá nhân sáng tạo, những con người hiền tài không phải dễ dàng có được. Cùng với sự nỗ lực vượt bậc trong học tập, tu dưỡng của những người trí thức, xã hội cần có sự tôn vinh, tạo điều kiện để họ cống hiến nhiều nhất cho đất nước.

1. Bia ký ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chi.

Nxb Sử học, t. II, H., 1961, tr. 5.

3. Dẫn theo Trương Hữu Quỳnh: Chính sách của nhà nước phong kiến Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 3, 1994.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H., 1996, tr.451.

6. Theo Đinh Xuân Lâm: Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức. Báo Nhân Dân cuối tuần, số 13, ngày 1-4-2000.

7. Phan Anh : Tôi đã tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (3-3-1946) như thế nào? Tạp chí Lịch sử Quân sự, 12-1998.

8. Các trích dẫn trong Văn kiện Đảng qua các kỳ Đại hội.

Chuyên đề