Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017

(BĐT) - Đón năm mới 2017, kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới với kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi có thêm điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. 
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với nền kinh tế quốc tê
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với nền kinh tế quốc tê

Nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, cùng sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, được xem là yếu tố then chốt trong việc tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Báo Đấu thầu giới thiệu các nhận định và chia sẻ từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nhân về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 1
Ưu tiên mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Có thể nói năm 2016 môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước chuyển khá tích cực, song rõ ràng việc thực hiện các quyết tâm đó trên thực tế còn rất hạn chế cả về việc tổ chức thực hiện cũng như kết quả đạt được. Như vậy, rõ ràng năm 2017 không phải là năm tiếp tục hô hào quyết tâm nữa, mà phải là năm triển khai thực hiện mạnh mẽ những biện pháp đã đề ra. Hay nói đúng hơn phải là năm hành động, hành động phải thể hiện khác năm trước, từ việc tổ chức thực hiện phải mạnh mẽ, thực sự tạo ra tác động đột phá, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ nhịp độ cải cách như vừa qua, mà không có sự đột phá, thì sẽ khó đạt được kết quả tốt. Hơn nữa, nhìn trên bình diện quốc tế, hiện các nước trong khu vực, cũng như các nước khác trên thế giới đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu Việt Nam không có sự cải thiện mạnh mẽ thì nguy cơ tụt hạng rất có khả năng xảy ra.

Trước bối cảnh đó, tôi cho rằng, trong năm 2017, Chính phủ cần ưu tiên hành động tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Thứ nhất là quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, đúng mục tiêu mà Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt ra.

Thứ hai là, cần rà soát một cách tổng thể mạnh mẽ, quyết liệt các điều kiện kinh doanh để tiếp tục bãi bỏ triệt để những điều kiện kinh doanh không cần thiết, làm hạn chế sự gia nhập thị trường, hạn chế sự phát triển của DN, hạn chế sự sáng tạo và làm gia tăng chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN.

Thứ ba là, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chứ không để như năm 2016 - chỉ làm khi có chỉ đạo trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết 19 và rà soát các điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành phải luôn ý thức thực hiện mục tiêu giảm thời gian, giảm chi phí và giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

Thứ tư là chú trọng, nâng cao tính kỷ luật hành chính trong việc thực thi các nhiệm vụ Chính phủ giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí, kêu gọi văn hóa từ chức trong trường hợp người đứng đầu không hoàn thành được nhiệm vụ.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 2
Quyết liệt hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng

Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Trong năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,7%. Theo tôi, đây là chỉ tiêu tương đối cao bởi tăng trưởng kinh tế đất nước đang chịu rất nhiều áp lực của thu, chi ngân sách. Mặc dù giải trình của Chính phủ cho rằng, đặt mục tiêu cao như vậy để phấn đấu, nhưng theo tôi, nếu không thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra trong năm 2017 như: tăng lương, đảm bảo an sinh xã hội, các khoản đầu tư cho các công trình thiết yếu, nợ công, trả nợ…

Chính phủ cũng cần phải rất quyết liệt với chi tiêu cho đầu tư công, đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải có những chuyển biến rõ rệt trong chi thường xuyên, bởi chi tiêu cứ tăng như mức độ của năm 2015, 2016 theo tôi là chưa ổn.

Ngân sách gặp khó, nợ công tăng cao nhưng hiện chi tiêu ngân sách lại chưa có những chuyển biến rõ rệt, phân bổ chi thường xuyên, phân bổ nguồn lực không có chỉ tiêu giảm. Đơn cử, nếu giảm biên chế thì phải thể hiện ngay trong con số chi thường xuyên phải giảm; nếu đặt yêu cầu phải tăng lương thì phải có nguồn chi cho yêu cầu đó.

Tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta hiện còn lãng phí nguồn lực về tài sản, đất đai trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Những nguồn lực này nếu được quản lý tốt sẽ tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách, hiệu quả quản lý sẽ mang lại nguồn lực cho đất nước. Yêu cầu này đòi hỏi Chính phủ phải sát sao, quyết liệt ở từng lĩnh vực, từng công việc cụ thể và phải thực hiện một cách đồng bộ nhiều giải pháp thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 3

Hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền kinh tế minh bạch

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP CFTD Sáng Tạo

Năm 2016, về cơ bản, tất cả văn bản hướng dẫn chi tiết pháp luật về đấu thầu đã được hoàn thiện, khung pháp lý về đấu thầu đã khá ổn định. Tuy nhiên, do khó khăn của nền kinh tế nên tổng mức đầu tư của nhiều dự án bị sụt giảm, việc làm của nhà thầu vì thế cũng bị giảm theo. Trong khi đó, lực lượng nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng có nhu cầu việc làm vẫn giữ nguyên, thậm chí là tăng theo thời gian, nên đã xảy ra tình trạng cung, cầu bất cập (cung lớn hơn cầu). Chính vì vậy, trong thực tiễn hoạt động đấu thầu năm 2016 có nhiều nơi đã xảy ra tình trạng cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh, để giành các cơ hội việc làm.

Qua theo dõi diễn biến của nhiều cuộc thầu trong cả nước đã cho thấy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, đặc biệt là những gói thầu, dự án có dấu hiệu thiếu minh bạch. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng góp phần vào việc hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ khi xây dựng một nền kinh tế minh bạch, Chính phủ kiến tạo và có trách nhiệm với người dân và DN. Bên cạnh đó, nhà thầu, DN cũng phải nâng cao kiến thức về đấu thầu, kiên quyết và không thỏa hiệp với các tiêu cực về đấu thầu, phải lấy pháp luật về đấu thầu làm cơ sở. Có như vậy, hoạt động đấu thầu trong cả nước mới dần giảm bớt tiêu cực và đi vào nề nếp.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 4

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 5

Tiêu dùng nội địa đang có sự phát triển mạnh mẽ

Ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài đến kinh tế Việt Nam. Yếu tố đầu tiên là giá dầu có khuynh hướng tăng trở lại. Đối với Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu dầu, việc giá dầu tăng trở lại không gây trở ngại nhiều, thậm chí đây là một trong những lợi thế, vì nguồn thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ. Vấn đề đáng quan tâm là việc thay đổi giá dầu đó có thực sự tồn tại tương đối bền vững trong dài hạn hay không?

Yếu tố thứ hai là kết quả bầu cử ở Mỹ có vẻ đã làm cho các nhà đầu tư tin tưởng vào một chính phủ mới có thực lực về kinh tế. Với việc điều chỉnh lãi suất tiền vay của FED, USD đã tăng giá trong thời gian gần đây, tạo ra sức ép về tỷ giá tương đối lớn cho Việt Nam. Với chính sách neo tỷ giá VND với USD sẽ làm giá tiêu dùng tăng cao hơn.

Ở Việt Nam, vấn đề nợ công đã và đang được đề cập đến rất nhiều và Chính phủ có nhiều việc phải làm để cân đối nguồn tài chính đảm bảo cho việc trả nợ trong khi nhu cầu chi tiêu rất lớn. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý trong việc cân đối thu chi ngân sách.

Mặc dù có nhiều diễn biến không thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách hệ thống DNNN, cải cách hệ thống ngân hàng, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển… sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 6
Cạnh tranh trong đấu thầu ngày càng mạnh mẽ

Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An

Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn vay từ nước ngoài tương đối thấp, các DN đối mặt với tình trạng khó khăn về việc làm, nên tính cạnh tranh trong đấu thầu giữa các DN ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực từng bước đổi mới và cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo ra nền hành chính công minh bạch, đáp ứng được các yêu cầu của quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt cho lĩnh vực phát triển hạ tầng.

Bước sang năm 2017, trong bối cảnh mới của nền kinh tế, để DN có thể tận dụng hiệu quả và thành công những cơ hội, triển vọng sắp tới thì bản thân mỗi DN cần học hỏi và phát triển, sử dụng công cụ quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ thi công, sản xuất nguyên, nhiên liệu xây dựng cũng là những yêu cầu cấp bách trong thời điểm này. Mặt khác, các DN cũng cần thúc đẩy sự tin cậy, tăng cường hợp tác và thực hiện tốt những giải pháp đã đề ra. Có như vậy, mỗi DN mới phát triển được bền vững việc sản xuất, kinh doanh và tạo được vị thế, vươn lên cạnh tranh trong khu vực, cũng như quốc tế.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 ảnh 7
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ông Chu Vũ Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc

Năm 2016, Chính phủ đã dành nhiều sự hỗ trợ cho các DN, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong bối cảnh nhiều DNNN hoạt động chưa hiệu quả. Rõ ràng, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời để hỗ trợ khối DN tư nhân trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ khi vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị gặp mặt DN, sau đó ban hành ngay một Nghị quyết về hỗ trợ phát triển DN, trong đó có rất nhiều vấn đề trọng tâm hướng đến DN tư nhân. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ cũng đã kịp thời trình Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV theo đúng lộ trình, dự kiến đưa ra để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Trong Dự thảo Luật đề cập đến nhiều chương trình hỗ trợ cho DNNVV, giúp khối DN này vươn lên và phát triển.

Tôi nhận thấy đang có một cơ hội mới cho các DN của Việt Nam trong thời gian tới, đó là việc một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới hoạt động trong các ngành điện, điện tử, ô tô, xe máy… đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Khi các tập đoàn này chuyển dịch công xưởng sản xuất sang Việt Nam, DN trong nước sẽ có cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm cho họ. Chính quá trình này sẽ giúp các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập.

Chuyên đề